Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Có phải Apple chiếm gần 50% giá trị danh mục đầu tư của Warren Buffett ?

Có phải Apple chiếm đến gần 50% danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway (NYSE: BRK) - công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffet như ảnh dưới đây ? 

Rất nhiều nhà đầu tư dựa vào số liệu trên để cho rằng Warren Buffet đầu tư quá tập trung vào Apple, hay thay vì đầu tư vào BRK thì đầu tư trực tiếp vào Apple còn hơn.

Điều này Đúng mà cũng Không đúng ! 

Trước tiên cần phải hiểu BRK là công ty đầu tư vào cả doanh nghiệp niêm yếtkhông niêm yết (BRK sở hữu 100% cổ phần các doanh nghiệp này). Hình trên chỉ trình bày danh sách các doanh nghiệp niêm yết mà BRK đầu tư vào, trong khi BRK sở hữu rất nhiều doanh nghiệp không niêm yết khác, có thể xem ở danh mục dưới đây:


 Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 của BRK

Vì vậy, cần phải hiểu đúng rằng Apple chiếm gần 50% danh mục đầu tư vào cổ phiếu niêm yết của BRK, chứ không phải gần 50% tổng danh mục đầu tư của BRK. Để tính tỷ trọng Apple trong tổng danh mục đầu tư của BRK, có thể tính bằng giá trị khoản đầu tư vào Apple (tại ngày 14/02/2024 là 165 tỷ USD) chia cho vốn hóa của BRK (tại ngày 14/02/2024 là 868 tỷ USD) bằng 19%.

Chính ngài Warren Buffett đã trả lời câu hỏi tương tự, độc giả có thể theo dõi ở Video dưới đây:

Nguồn: Đại hội cổ đông năm 2023 của BRK
Share:

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Ethics – Môn học “đặc biệt” của chương trình CFA

Môn học Ethical & Professional standards (Đạo đức và các chuẩn mực nghề nghiệp) là một chủ đề quan trọng của chương trình CFA, chiếm một trọng số lớn trong cả 3 level (10% - 20%). Đây cũng chính là điểm khác biệt so với các chứng chỉ hành nghề khác. CFA Institue thậm chí còn cung cấp các tài liệu miễn phí liên quan đến chủ đề này tại đây.

Nguồn: Efficient learning

Tại sao CFA lại đề cao Đạo đức nghề nghiệp ?

Cám dỗ to lớn

Không giống như anh kế toán viên ăn cắp vài đồng bạc lẻ nhờ khai khống hóa đơn, hay cô kế toán trưởng thụt quỹ có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Những người làm việc trong lĩnh vực tài chính/chứng khoán/đầu tư có thể kiếm rất nhiều tiền từ các hành động phi đạo đức mà rất khó bị phát hiện, không phải chịu trách nhiệm, và thiệt hại lên các chủ thể khác cũng rất khó đo lường và đong đếm.

Ví dụ như CEO một ngân hàng nào đó ở bên Mỹ vừa kịp bán ra hàng triệu cổ phiếu, bảo toàn hàng chục triệu USD trước khi ngân hàng này phá sản. Hay như một Quỹ đầu tư giả định nào đó, huy động được rất nhiều tiền nhưng không đem đi đầu tư phục vụ lợi ích của khách hàng, mà đem tiền đi làm “deal” để thu lợi riêng. Rồi như đại gia TVQ của Việt Nam bị kết luận là thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ việc thao túng cổ phiếu….

Với mức lợi ích kinh tế khổng lồ như vậy, rất dễ đề người làm nghề sa ngã, do đó CFA đưa chủ đề Ethics vào với hi vọng tạo ra một vòng bảo vệ vô hình trước những cám dỗ trong nghề.

Để bảo vệ “miếng cơm manh áo” của người làm nghề

Ngành tài chính nói chung hoạt động dựa trên niềm tin: Ngân hàng cho khách hàng vay vì tin tưởng khách hàng đó sử dụng vốn đúng mục đích, đủ năng lực trả nợ; Nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp vì tin tưởng doanh nghiệp đó kinh doanh đàng hoàng, có lãi; Nhà đầu tư ủy thác tiền cho các Quỹ đầu tư vì tin tưởng rằng các Quỹ đầu tư đó sẽ giúp mình kiếm lời… Nếu niềm tin tan vỡ, ngành tài chính sẽ sụp đổ.

Hãy nhìn ví dụ gần nhất tại Việt Nam, niềm tin trên thị trường trái phiếu không còn, các doanh nghiệp không thể huy động được vốn để kinh doanh; hay ví dụ tại thị trường Mỹ, khách hàng liên tục rút tiền khỏi các ngân hàng địa phương vì “mất niềm tin” chứ không phải vì các ngân hàng này gặp vấn đề; rồi các quỹ đầu tư bị rút vốn vì nhà đầu tư không còn tin tưởng vào người điều hành quỹ nữa.

Như vậy có thể nói đề cao Đạo đức nghề nghiệp chính là để bảo vệ “miếng cơm manh áo” của chính người làm nghề.

Rộng hơn là bảo vệ lợi ích của các bên liên quan

Khi có những người thu lợi bất chính, chắc chắn sẽ có những người khác bị thiệt hại. Như trường hợp của CEO ngân hàng, hay trường hợp của đại gia TVQ nêu trên, người thiệt hại là nghìn nhà đầu tư mua vào cổ phiếu với niềm tin là ngân hàng/doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt. Rồi một vài trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định, dẫn đến các doanh nghiệp tốt không thể huy động được vốn. Chính vì vậy, việc hạn chế những hành động phi đạo đức không chỉ bảo vệ người làm nghề, mà còn bảo vệ lợi ích của các chủ thể liên quan. 

Share:

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

SVB có thật sự chết vì “giấu lỗ” đầu tư trái phiếu?

Trong tuần qua, một số ngân hàng nhỏ tại Mỹ gặp khó khăn, điển hình là Silicon Valley Bank (SVB), khi khách hàng rút tiền quy mô lớn, buộc phải bán trái phiếu HTM (loại trái phiếu được phân loại nắm đến đáo hạn) trước thời hạn, ghi nhận một khoản lỗ lớn do giá các trái phiếu đã giảm mạnh, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Trên các diễn đàn xuất hiện một số luồng quan điểm là SVB đầu tư quá rủi ro, phân bổ quá nhiều vào trái phiếu, đồng thời giấu lỗ khi phân loại phần lớn trái phiếu này thành HTM thay vì AFS (loại phải mark – to – market). Liệu có thật sự như vậy?

Ngân hàng thương mại hoạt động như thế nào?

Trước tiên ta hãy cùng tìm hiểu một ngân hàng thương mại truyền thống hoạt động như thế nào.

Ngân hàng thương mại truyền thống sẽ huy động tiền nhàn rỗi từ các cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế, sau đó dùng nguồn tiền này để cho vay ăn chênh lệch lãi suất. Và để có thể cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất huy động, kỳ hạn các khoản cho vay thường dài, trong khi các khoản huy động thường có kỳ hạn ngắn.

Chính vì có sự chênh lệnh kỳ hạn giữa bên phần tài sản (cho vay) và nợ phải trả (huy động), để đảm bảo nhu cầu thanh khoản, ngân hàng sẽ không cho vay 100% số tiền huy động được, mà thường để khoảng 10%-15% dự trữ để khi người gửi cần rút tiền thì có thể trả lại ngay. Các khoản dữ trữ thường để dưới dạng tiền mặt, tiền gửi lại ngân hàng nhà nước, và đầu tư vào tài sản thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ .v.v.) để kiếm một chút lợi tức bù đắp cho chi phí huy động.

Thông thường các ngân hàng đều hướng đến xây dựng một nguồn huy động ổn định. Mặc dù kỳ hạn các khoản huy động là ngắn, nhưng phần lớn khách hàng sẽ tái tục, và luôn có một lượng khách hàng gửi mới vào bù đắp cho lượng tiền rút ra. Như vậy ngân hàng nhìn chung ngân hàng sẽ yên tâm mang tiền đi cho vay kỳ hạn dài.

Việc khách hàng rút vốn quy mô lớn (bank-run) là ác mộng đối với ngân hàng, bởi ngân hàng không thể thu hồi các khoản cho vay của mình trong thời gian ngắn. Trong trường hợp này ngân hàng phải nhanh chóng huy động nguồn vốn mới với chi phí rất cao hoặc phải bán thanh lý tài sản với giá rẻ mạt để có tiền trả cho khách hàng. Trường hợp xấu nhất, ngân hàng phải cầu cứu đến Ngân hàng Nhà nước đứng ra đảm bảo và hỗ trợ thanh khoản để nhanh chóng chấm rứt tình trạng rút tiền, nếu không ngân hàng sẽ phá sản.

SVB phân bổ tài sản như thế nào

Dưới đây là bảng cân đối của SVB tại cuối năm 2022 (nguồn Yahoo Finance):


Có thể thấy phần lớn tài sản của SVB được phân bổ dưới dạng tài sản thanh khoản cao như tiền (6.5%) và đầu tư trái phiếu (56,6%), trong khi quy mô các khoản cho vay khá thấp. Nguyên nhân là Ngân hàng này huy động được quá nhiều tiền, chủ yếu là từ các công ty công nghệ, trong 2 năm Covid nhưng chưa cho vay ra được. 76% các trái phiếu của SVB được phân loại vào HTM, có tính chất tương tự như các khoản cho vay, nhằm kiếm một mức lợi suất nhất định bù đắp chi phí huy động.

Như vậy có thể thấy tài sản thanh khoản ngân hàng này rất dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền bình thường của khách. Nhưng khách hàng lại rút tiền một cách “không bình thường”. Chỉ trong một ngày, quy mô tiền gửi yêu cầu rút ra lên đến 42 tỷ (tương đương 25% tổng tiền gửi, 20% tổng tài sản), khiến SVB phải thanh lý các trái phiếu HTM của mình và ghi nhận lỗ (do phần lớn các trái phiếu này đầu tư trong giai đoạn lợi suất thấp).

Trái phiếu HTM có phải là cách SVB giấu lỗ?

Giáo sư Mark Meldrum có một video rất hay về vấn đề này, link video tại đây.

Trước tiên hãy lấy một ví dụ đơn giản để hiểu 2 định nghĩa: Carrying value và Fair value của trái phiếu.

+ Đầu tư một trái phiếu 100 tỷ, lợi suất 2%, thời hạn 1 năm: Nếu bỏ qua rủi ro tín dụng và nắm đến đáo hạn (nắm giữ 1 năm), thì chắc chắn sẽ nhận được 102 tỷ, không ảnh hưởng bởi lãi suất thị trường. Đây chính là carrying value của trái phiếu. Các khoản cho vay cũng là một loại HTM, bởi ngân hàng sẽ nắm giữ các khoản này đến đáo hạn để thu được carrying value.

+ Vẫn đầu tư trái phiếu trên, nhưng phải bán thanh lý giữa kỳ, thì sẽ phải bán thanh lý theo fair value của trái phiếu (chứ không phải carrying value). Trường hợp lãi suất thị trường tăng, fair value sẽ thấp hơn carrying value và ngược lại.

Đối với các ngân hàng thương mại, nếu mục đích đầu tư trái phiếu là thu được carrying value thì sẽ được phân loại HTM, nếu mục đích là để trading/ hoặc bán đi trong ngắn hạn để đảm bảo thanh khoản thì sẽ được phân loại Trading hoặc AFS.

Trong trường hợp của SVB, ngân hàng này phân loại 91 tỷ trái phiếu vào HTM cũng dễ hiểu. Bởi ngân hàng này chưa đẩy cho vay được, nên đầu tư vào trái phiếu để thu được lợi tức (carrying value) tương tự các khoản cho vay. Do đó không thể khẳng định SVB phân loại trái phiếu thành HTM để giấu lỗ.

Vấn đề của SVB là rủi ro tập trung bên phần huy động

Vấn đề của SVB là có một cơ cấu huy động rủi ro. Cơ cấu huy động quá tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ. Khi ngành này này gặp khó khăn, các doanh nghiệp không huy động thêm được vốn, đồng loạt rút tiền gửi về, thì SVB phải bán thanh lý các khoản trái phiếu HTM, ghi nhận lỗ theo fair value, chứ không được ghi nhận theo carrying value nữa. Trường hợp SVB không đầu tư trái phiếu HTM, mà đổi thành các khoản cho vay, thì rủi ro cũng vẫn xảy ra.

Nguồn: Báo cáo phân tích của JP Morgan.

Tại sao SVB không hedge/quản trị các rủi ro của mình?

- Ngân hàng kiếm lời dựa trên các rủi ro mà họ hiểu biết và thông thạo. Nếu hedge toàn bộ các rủi ro thì ngân hàng sẽ không kiếm được lợi nhuận. (No risk – risk free return). Sẽ chẳng có ngân hàng nào mua bảo hiểm rủi ro tín dụng cho toàn bộ các khoản cho vay cũng như hedge toàn bộ rủi ro chênh lệnh kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn.

- Rủi ro tập trung rất khó để quản trị. Tỷ lệ rút tiền lên đến 25% tổng huy động vốn trong 1 ngày vượt ngoài mọi kịch bản quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Nhà đầu tư cá nhân học được gì từ câu chuyện SVB    

SVB có CAR lên đến 15% nhưng vẫn bị xóa sổ chỉ trong 1 “nốt nhạc”, giá cổ phiếu công ty mẹ sụt mạnh trước khi nhà đầu tư biết chuyện gì đã xảy ra. Vì vậy hãy giảm sự quan tâm đến CAR, thay vào đó hãy xem ngân hàng đó đang “take risk” như thế nào cả ở 2 đầu tài sản và nguồn vốn.

Hãy cẩn trọng với những ngân hàng có rủi ro tập trung cao, bởi rủi ro này rất khó quản trị. Các phương thức quản trị rủi ro hiện tại phần lớn dựa trên dữ liệu quá khứ, còn rủi ro tập trung thì thường tạo ra thiên nga đen (những thứ chưa từng xảy ra bao giờ).

Share:

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

“Chân dung” người chiến thắng trong trò chơi trading

*trader: những người mua đi bán lại chứng khoán trong thời gian ngắn, kiếm lời từ biến động giá cả cổ phiếu.
*trading: hành động mua đi bán lại cổ phiếu liên tục.
*broker: những người làm nghề môi giới chứng khoán.

Có thể những nhà đầu tư mới sẽ vô cùng ngưỡng mộ những trader giàu có, những broker với vẻ ngoài hào nhoáng, để rồi cũng lao theo trò chơi trading với mong muốn làm giàu nhanh. Tuy nhiên đây không phải là trò chơi mà số đông có thể dành chiến thắng. Có một con số thống kê thường được sử dụng, đó là trên 90% nhà đầu tư thua lỗ khi đầu tư chứng khoán. Đây không phải là một con số vu vơ, một công ty chứng khoán lớn đã thực hiện nghiên cứu tệp khách hàng của mình và phát hiện ra rằng, trên 90% khách hàng của họ thua lỗ và rời bỏ thị trường sau 2 năm. Quy mô khách hàng của công ty đủ lớn để có thể đại diện cho toàn bộ nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Vậy tại sao có rất nhiều người thành công xung quanh tôi?  

Đây là câu hỏi phản biện mà nhiều nhà đầu tư đặt ra khi đối mặt với thống kê trên. Có thể giải thích điều này bằng 2 lý do: thứ nhất, những người thành công thì thường nổi tiếng và được nhiều người biết đến, còn người thất bại thì im lặng và ẩn mình (đây gọi là thiên vị sống sót); thứ hai, lúc bạn quan tâm đến chứng khoán là lúc thị trường bull, khi đó ai cũng là người chiến thắng, đến lúc thị trường giảm, nhiều người thua lỗ thì bạn cũng không quan tâm đến chứng khoán nữa. Hoặc lý do thứ 3 có thể những người bạn nhìn thấy đang cố gắng “lừa bạn” vì một mục đích nào đó  (để bán hàng chẳng hạn).

10% người chiến thắng là ai ? Họ có đặc điểm gì ?

Có thể phân loại những người chiến thắng thành 3 nhóm sau đây:

Nhóm 1 : Người có đầy đủ ‘điều kiện’ để chiến thắng 

Đó là những người giỏi thuộc top 10%, có kiến thức, kinh nghiệm, và có thời gian nghiêm túc dành cho việc trading. Điều này gần như là hiển nhiên, bởi những người giỏi thuộc TOP của bất cứ ngành nghề nào đều kiếm được nhiều tiền.

Nhóm 2 : Nhóm ‘gian lận’

Nhóm này bao gồm những người nắm được những thông tin mà phần đông không thể có được; những đội nhóm thao túng (hoặc mua/bán theo nhóm thao túng) giá cổ phiếu;… Nhóm này thường giàu rất nhanh và rất ít khi thua lỗ. Tuy nhiên rủi ro là có thể phải ‘bóc lịch’ nếu bị phát hiện.

Nhóm 3 : Nhóm may mắn

Cái tên nói lên tất cả, tuy nhiên đây là nhóm không bền vững, bởi không ai may mắn được mãi.

Bạn tự đánh giá mình thuộc nhóm nào?

Về mặt lý trí, có lẽ chúng ta đều muốn thuộc Nhóm 1, tuy nhiên không dễ để làm được điều này. Tôi đã từng lướt qua website bán các khóa học trading và thấy học viên của họ nào là kỹ sư, nào là bác sĩ, nào là nhân viên văn phòng…. Những người đó chỉ học một vài khóa học qua loa thì làm sao có thể đủ giỏi thuộc TOP 10%, lại còn đang làm việc full-time thì làm sao dành thời gian nghiêm túc cho việc trading? Nhiều khi sa đà vào trading chứng khoán, vừa thua lỗ vừa ảnh hưởng đến công việc chính.

Trên 90% nhà đầu tư phổ thông không thuộc nhóm nào trong 3 nhóm trên, do đó về dài hạn là thua lỗ. Tuy nhiên trading không phải là cách duy nhất để kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Có một cách khác để kiếm tiền với xác suất thành công cao hơn, dễ thực hiện hơn, tuy nhiên lại là cách "làm giàu chậm", đó chính là "đầu tư theo đúng định nghĩa sách giáo khoa". Xét cho cùng, "giàu chậm" vẫn hơn là thua lỗ.   

Share:

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Trading cổ phiếu liên tục có phải là Zero-sum game ?

Định nghĩa

Trading là hành động mua đi bán lại cổ phiếu một cách liên tục nhằm kiếm lời từ biến động giá cổ phiếu.

Zero-sum game - Trò chơi có tổng bằng 0, là trò chơi mà tổng số tiền người thắng kiếm được sẽ bằng tổng số tiền người thua thua lỗ. Các sới bạc là điển hình của loại trò chơi này. Đặc điểm của loại trò chơi này là: sẽ có ít người thắng và rất nhiều người thua lỗ. Về mặt toán học, càng ít người thắng thì người chiến thắng sẽ càng kiếm được nhiều tiền. Do đó các trò chơi kiều này hay xảy ra tình trạng “gian lận”.

Vậy trading cổ phiếu có phải là zero-sum game hay không?

Gần như là vậy.

Để đơn giản hóa, hãy hình dung cổ phiếu X là một tài sản có giá trị 100,000 VNĐ, trong khi đó giá cả của cổ phiếu X liên tục được giao dịch ở mức từ 100,000 – 102,000 VNĐ. (Xem thêm về Giá trị và Giá cả cổ phiếu ở đây).

Người A trading liên tục kỳ vọng mua cổ phiếu X ở mức giá thấp (ví dụ 100,000) và bán với giá cao hơn (ví dụ 102,000) cho người B để kiếm lời 2,000 VNĐ. Tuy nhiên người B lại mua cổ phiếu ở đúng đỉnh 102,000 VNĐ, do đó nếu so với giá trị thật của X thì người B đang lỗ 2,000 VNĐ, bằng đúng số tiền mà người A kiếm được.

Cũng có trường hợp không phải.

Giả sử giá cổ phiếu X được giao dịch quanh mức 98,000 – 102,000 VNĐ. Người A mua ở mức 98,000 sau đó bán lại cho người B ở mức 102,000 VNĐ. Khi đó người A kiếm được lợi nhuận 4,000 VNĐ trong khi người B lỗ 2,000 VNĐ. Như vậy tổng số tiền kiếm được lớn hơn tổng số tiền thua lỗ. Ví dụ này khác ví dụ trên ở chỗ A đã mua được cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị thật của nó.

Tuy nhiên thực tế lại phức tạp hơn.

Cũng ví dụ trên, người A kiếm lời 4,000 VNĐ, tuy nhiên do thị trường chứng khoán biến động mạnh, người B vì lo sợ đã cắt lỗ cổ phiếu X ở mức giá 98,000 VNĐ, do đó thua lỗ đúng 4,000 VNĐ, bằng số tiền người A kiếm được. Và đây là trường hợp phổ biến trong thực tế, vì khi trading, phần lớn mọi người sẽ không quan tâm giá trị thật của cổ phiếu X là bao nhiêu.

Một đặc điểm khác cũng giống Zero-sum game

Đó là tỷ lệ người chiến thắng trong “trò chơi trading” thường rất ít, và những người này thường kiếm được rất nhiều tiền. Tình trạng “gian lận” cũng diễn ra phổ biến trong trò chơi này, minh chứng là một số “đội nhóm thao túng” vừa bị bắt và khởi tố trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trước khi quyết định trading cổ phiếu, nhà đầu tư nên tìm hiểu xem mình có đặc điểm của “người chiến thắng” hay không để giảm thiểu việc mất tiền vô ích.

Đón đọc “Chân dung của người chiến thắng” cuối tuần sau.

Share:

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

CFA hay FRM

CFA hay FRM là 2 chứng chỉ khá nổi tiếng và phổ biến trong ngành tài chính, được nhiều người trong ngành theo đuổi. Vậy CFA có gì khác so với FRM ? Nên học CFA hay FRM? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chứng chỉ CFA là gì tại đây.

Trước tiên, chúng ta hãy cùng so sánh một số thông tin cơ bản về 2 chứng chỉ này:

 

Điểm khác biệt quan trọng nhất  giữa CFA và FRM là gì?

Qua danh sách các môn học nêu trên, có thể dễ dàng nhận ra chương trình FRM rất chuyên sâu về quản trị rủi ro, thiên về tài chính định lượng (quantitative finance) phù hợp với công việc trong khối quản trị rủi ro tại các định chế tài chính và doanh nghiệp (ở Việt Nam, nghề quản trị rủi ro mới chỉ phổ biến trong các định chế tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán lớn, fintech…). Chương trình CFA đào tạo về traditional finance nhiều hơn (tài chính kế toán, phân tích BCTC, phân tích đầu tư…); CFA có đề cập một chút đến quản trị rủi ro, nhưng chủ yếu là quản trị rủi ro trong quản trị danh mục đầu tư, không đa dạng và chuyên sâu như FRM. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, một số vị trí nghề nghiệp nếu nghe lướt qua có thể nghĩ rằng phù hợp với FRM như: thẩm định/tái thẩm định khách hàng doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại (rất giống quản trị rủi ro); nhưng thực chất công việc này lại sử dụng nhiều kiến thức tài chính/kế toán, phân tích tài chính nên học chứng chỉ CFA sẽ phù hợp hơn.

Tóm lại, chứng chỉ FRM phù hợp nhất với người theo đuổi lĩnh vực Quản trị rủi ro. Chứng chỉ CFA có ứng dụng đa dạng hơn, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn so với FRM, đặc biệt là các công việc sử dụng kiến thức tài chính/kế toán/phân tích tài chính/phân tích đầu tư.

Share:

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Chứng quyền là gì? Lưu ý khi đầu tư chứng quyền?

Chứng quyền (tiếng anh là Covered warrant – CW) là một loại chứng khoán phái sinh do các công ty chứng khoán phát hành, dựa trên một cổ phiếu cơ sở nào đó để xác định lãi lỗ (ví dụ chứng quyền C-FPT là dựa trên giá cổ phiếu FPT). Đây là một sản phẩm có tính đòn bẩy, do đó nhà đầu tư có thể lãi nhiều hơn khi giá cổ phiếu FPT tăng nếu mua C-FPT thay vì mua chính cổ phiếu FPT, đồng thời cũng có thể thua lỗ nhiều hơn, thậm chí là mất trắng nếu giá cổ phiếu FPT giảm. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem xét ví dụ về chứng quyền FPT dưới đây:

Hình 1: Chứng quyền FPT, được công ty Chứng khoán BSC phát hành, niêm yết trên sàn HOSE với mã CFPT2301 (nguồn: Vietstock).

Một số thông tin về chứng quyền từ hình trên:

Mua chứng quyền: tương tự như mua cổ phiếu, mã giao dịch là CFPT2301.

Giá chứng quyền phiên gần nhất: 2,170 VNĐ/chứng quyền.

Giá chứng khoán cơ sở (cổ phiếu FPT) phiên gần nhất: 81,600 VNĐ/cổ phiếu.

Giá thực hiện (dùng để tính lãi lỗ): 84,000 (giải thích chi tiết ở bên dưới).

Giá hòa vốn: 97,020. Nếu nhà đầu tư mua chứng quyền ở giá hiện tại (2,170 VNĐ), thì khi giá cổ phiếu FPT đạt 97,020 nhà đầu tư sẽ hòa vốn (giải thích chi tiết ở bên dưới).

Khi tìm hiểu thông tin chi tiết về chứng quyền, ta có các thông tin sau:

Hình 2: Thông tin chi tiết về chứng quyền (nguồn: Vietstock).

Một số thông tin cần lưu ý khi tìm hiểu về CW:

Ngày giao dịch cuối cùng 23/06/2023 và ngày đáo hạn 27/06/2023

Đây là ngày cuối cùng để nhà đầu tư có thể mua/bán CW, sau ngày này nếu vẫn còn tiếp tục nắm giữ chứng quyền thì công ty chứng khoán sẽ tính toán lãi lỗ để thanh toán cho nhà đầu tư trong vòng (5) ngày sau ngày đáo hạn 27/06/2023.

Giá thực hiện 84,000

Đây là mức giá để tính lãi lỗ. Khi nắm giữ đến ngày đáo hạn, nếu giá bình quân 5 phiên gần nhất của cổ phiếu FPT lớn hơn 84,000 thì nhà đầu tư sẽ được CTCK thanh toán tiền cho phần chênh. Lãi/lỗ thực tế của nhà đầu tư sẽ bằng số tiền nhận được này trừ đi số tiền nhà đầu tư bỏ ra mua chứng quyền.

Tỷ lệ chuyển đổi 6 : 1

Sở hữu 6 chứng quyền tương đương 1 cổ phiếu FPT khi tính lãi lỗ. Nhà đầu tư có thể thấy 6 chứng quyền hiện có giá 2,170 VNĐ x 6 = 13,020 VNĐ, rẻ hơn rất nhiều khi mua 1 cổ phiếu FPT với giá 81,600 VNĐ. Chính vì vậy CW là sản phẩm có tính đòn bẩy.

Tính lãi lỗ của CW khi nắm giữ tới đáo hạn như thế nào?

Hãy cùng xem xét ví dụ sau: Nhà đầu tư mua 10000 chứng quyền bên trên với giá 2170 VNĐ/chứng quyền, nắm giữ tới đáo hạn. Hãy tính lãi/lỗ của nhà đầu tư nếu giá cổ phiếu FPT bình quân 5 phiên gần nhất trước ngày đáo hạn là: Trường hợp 1: 100,000; Trường hơp 2: 81,000; Trường hợp 3: 97,020? So sánh với lợi nhuận đầu tư vào cổ phiếu FPT thay vì chứng quyền ? (bỏ qua các loại thuế/phí).

Giải:

Số tiền gốc bỏ ra đầu tư là: 10,000 x 2,170 = 21,700,000 VNĐ.

Số tiền này dung để mua 10,000 chứng quyền với giá 2,170 VNĐ/chứng quyền hoặc mua 265 cổ phiếu FPT với giá 81,600 VNĐ/cổ phiếu.

Trường hợp 1: Giá FPT là 120,000

  • Số tiền lãi nếu đầu tư vào cổ phiếu FPT = 265 x (120,000 – 81,600) = 10,176,000 (tương đương tỷ suất lợi nhuận 47%).
  • Số tiền lãi nếu đầu tư vào chứng quyền.
    • Quy đổi số cổ phiếu FPT sở hữu = 10,000 / 6 = 1,666.67 CP. (tỷ lệ chuyển đổi 6:1).
    • Lợi nhuận quy đổi = 1,666.67 x (100,000 – 84,000) = 60,000,120 VNĐ. (84,000 VNĐ là mức giá thực hiện, dùng để tính lãi lỗ).
    • Lợi nhuận trừ chi phí mua chứng quyền = 60,000,120 – 21,700,000 = 38,300,120. (tương đương tỷ suất lợi nhuận 176%).

Như vậy đầu tư vào chứng quyền lãi hơn nhiều so với đầu tư vào CP FPT.

Trường hợp 2: Giá FPT là 81,000  

  • Số tiền lỗ nếu đầu tư vào cổ phiếu FPT = 265 x (81,000 – 81,600) = -159,000 (tương đương lỗ 0.7%).
  • Số tiền lỗ nếu đầu tư vào chứng quyền:
    • Quy đổi số cổ phiếu FPT sở hữu = 10,000 / 6 = 1,666.67 CP. (tỷ lệ chuyển đổi 6:1)
    • Vì 81,000 < 84,000 nên Nhà đầu sẽ không được thanh toán
    • Tổng mức lỗ = 0 – 21,700,000 =  - 21,700,000. (tương đương lỗ 100% số tiền đầu tư).

Trong trường hợp này đầu tư vào chứng quyền thua lỗ lớn hơn rất nhiều so với đầu tư cổ phiếu.

Trường hợp 3: Giá FPT là 97,020

  • Số tiền lãi nếu đầu tư vào cổ phiếu FPT = 265 x (97,020 – 81,600) = 4,086,300 (tương đương tỷ suất lợi nhuận 18,8%).
  • Số tiền lãi nếu đầu tư vào chứng quyền:
    • Quy đổi số cổ phiếu FPT sở hữu = 10,000 / 6 = 1,666.67 CP. (tỷ lệ chuyển đổi 6:1)
    • Lợi nhuận quy đổi = 1,666.67 x (97,020 – 84,000) = 21,700,043 VNĐ.
    • Lợi nhuận trừ chi phí mua chứng quyền = 21,700,043 – 21,700,000 = 43. (tương đương tỷ suất lợi nhuận 0%).

Như vậy đầu tư vào chứng quyền trong trường hợp này là hòa vốn, và mức giá cổ phiếu 97,020 được gọi là mức giá hòa vốn của chứng quyền. Nhà đầu tư có thể tính nhanh ra con số này bằng công thức 2,170 x 6 + 84,000 = 97,020 (Giá chứng quyền x tỷ lệ chuyển đổi + giá thực hiện). 

Tại sao chứng quyền lại có giá trị khi mà mức giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn cả mức giá hòa vốn ?

Vì giá trị của chứng quyền bao gồm 2 phần : Giá trị thời gian (hay còn gọi là giá trị đầu cơ) + Giá trị nội tại.

+ Giá trị nội tại tính toán theo cách vừa trình bày bên trên, và hoàn toàn có thể bằng 0 (khi giá cổ phiếu cơ sở thấp hơn giá hòa vốn).

+ Giá trị thời gian được tính toán bằng một công thức tương đối phức tạp, tuy nhiên có thể hiểu một cách đơn giản như sau : Vì chứng quyền có 1 khoảng thời gian nữa mới đáo hạn, nên rất có thể trong thời gian đó giá cổ phiếu cơ sở sẽ tăng mạnh, vượt qua ngưỡng hòa vốn và có lãi, điều này tạo nên giá trị thời gian của chứng quyền. Giá trị thời gian của chứng quyền sẽ giảm dần về 0 khi chứng quyền càng gần ngày đáo hạn.

+ Như vậy giá của chứng quyền sẽ tiến dần về giá trị nội tại khi càng đến gần ngày đáo hạn. Nếu giá trị nội tại bằng 0 thì giá chứng quyền sẽ tiến dần về 0.

+ Một lưu ý khác cho nhà đầu tư muốn nắm giữ chứng quyền trong một thời gian dài là : Tại ngày hôm nay, giá chứng khoán cơ sở là 81,600 thì giá chứng quyền là 2,170 ; nhưng sau 2 tháng nữa, nếu giá chứng khoán cơ sở vẫn ở mức 81,600 thì giá chứng quyền sẽ thấp hơn 2,170 rất nhiều (do giá trị thời gian đã giảm đi).

Nếu giá của chứng khoán cơ sở nhỏ hơn giá hòa vốn (giá trị nội tại = 0) thì có thể kiếm lời từ chứng quyền hay không ?

Có. Trong một khoảng thời gian ngắn (vài phiên giao dịch), thì giá chứng quyền sẽ biến động mạnh hơn giá cổ phiếu cơ sở. Nếu giá cổ phiếu cơ sở tăng 3% thì giá chứng quyền có thể tăng trên 10%. Giá chứng quyền biến động mạnh nhất khi mức giá chứng khoán cơ sở dao động quanh mức giá thực hiện (trong ví dụ trên là 84,000).

Quy mô giao dịch chứng quyền khá nhỏ, giá chứng quyền có thể bị ‘thao túng’ một cách dễ dàng hay không ?

Không. Giá chứng quyền được nhà tạo lập (là công ty chứng khoán phát hành) niêm yết giá mua/bán 2 đầu theo một công thức tính toán nhất định, phù hợp với giá của chứng khoán cơ sở. Muốn ‘thao túng’ giá chứng quyền phải ‘thao túng’ giá của chứng khoán cơ sở, và điều này có vẻ như không khả thi và cũng không hợp lý về mặt chi phí.

Có nên đầu tư chứng quyền hay không ?

Chứng quyền là sản phẩm có rủi ro cao, phù hợp với dân chuyên nghiệp, những nhà đầu tư mới, không chuyên thì không nên tham gia. Trường hợp vẫn muốn tham gia để biết thì chỉ nên đầu tư với quy mô nhỏ, không nên thấy lãi nhiều mà ham (các sản phẩm có tính 'cờ bạc' thường gây nghiện), và khi thua lỗ cũng không ảnh hưởng gì đến tình hình tài chính của bản thân và gia đình. 

Share: