Trong vài năm trở lại đây xu hướng vay tiêu dùng, tiêu dùng trả góp lãi suất cao ngày càng trở nên thịnh hành, các công ty cho vay tiêu dùng ăn nên làm ra. Xu hướng này cũng không hẳn là xấu khi nó kích thích tiêu dùng của nền kinh tế, nhà sản xuất, nhà bán lẻ được hưởng lợi khi bán được nhiều hàng hơn. Tuy nhiên xét trên phương diện tài chính cá nhân, thì đây lại là một xu hướng không tốt.
Mua xe Lead nhưng lại thanh toán tiền bằng một chiếc SH Mode
Có thể bạn sẽ hào hứng khi sở hữu một tài sản mới nên chỉ nhìn lướt qua bảng số tiền phải trả hàng tháng mà không cộng tổng lại. Đó cũng là điểm mà các công ty cho vay tiêu dùng hay che giấu, trên bảng tính toán số tiền trả nợ sẽ chẳng bao giờ có dòng Tổng tính toán sẵn cho bạn.
Cách thức cho vay tiêu dùng thông thường là trả một số tiền bằng nhau hàng tháng, theo cách này thì số tiền gốc sẽ giảm chậm trong thời gian đầu (do tiền lãi phải trả lớn, tổng số tiền phải trả cố định, nên tiền gốc trả các kỳ đầu sẽ nhỏ). Đây là lý do mà nhiều khách hàng phàn nàn rằng họ trả nợ nhiều kỳ rồi sao số tiền gốc vẫn lớn như vậy.
Lấy một ví dụ đơn giản: bạn dự định mua xe Lead giá 40 triệu, bạn có 8 triệu và vay 32 triệu. Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện tại từ 35%-38%/năm, thời gian vay 18 tháng, trả nợ hàng tháng. Số tiên trả nợ hàng tháng ước tính xấp xỉ 2.4 triệu đồng. Tổng số tiền trả trong suốt thời gian vay là 42 triệu đồng, cộng với khoản tiền bạn bỏ ra ban đầu là 8 triệu đồng, thì tổng số tiền phải trả cho chiếc xe Lead là khoảng 50 triệu đồng. Nếu số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài thì tổng số tiền phải trả càng lớn, thậm chí bằng giá tiền của 1 chiếc SH Mode. Chi tiết bạn có thể tham khảo tại file excel (tải về mở bằng MS Excel) !
Có thể bạn thấy chênh lệch 10 triệu đồng (giữa 40 và 50 triệu) không đáng kể, nhưng hãy so sánh với tiền tiết kiệm hàng tháng của bản thân hoặc số tiền mà bạn thu được khi gửi tiết kiệm. Nếu bạn tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng thì 10 triệu đồng chênh lệch tương đương gần nửa năm tiết kiệm (nếu bạn tiết kiệm được nhiều hơn thì khả năng bạn không cần vay vốn khi mua 1 chiếc xe máy). Hoặc 10 triệu đồng là số tiền lãi gửi tiết kiệm 40 triệu đồng trong vòng 4 năm mới tạo ra được (giả sử lãi suất tiết kiệm là 6%/năm).
Đánh mất cơ hội gia tăng tài sản
Bên cạnh đó, việc vay tiêu dùng cũng làm cho bạn mất đi cơ hội gia tăng tài sản. Giả sử thay vì dành khoản tiền tiết kiệm hàng năm để trả nợ vay tiêu dùng và trả lãi, bạn gửi vào một quỹ đầu tư có lịch sử hoạt động ổn (các quỹ đầu tư tốt trên thị trường chứng khoán hiện tại có mức sinh lời bình quân từ 10-15%/năm), mỗi năm 24 triệu đồng, thì sau 10 năm bạn sẽ có trên 400 triệu đồng. Nếu số tiền bạn tiết kiệm càng nhiều, giá trị qua thời gian sẽ càng lớn. Bạn có thể nhập các thông số vào file excel theo khả năng tiết kiệm của bản thân để có được có được con số phù hợp với tình trạng của mình.
Cân bằng giữa tài sản và tiêu sản
Tài sản là thứ sinh lời, gia tăng giá trị theo thời gian như tiền gửi tiết kiệm, các khoản đầu tư... Tiêu sản là thứ mất đi giá trị qua thời gian như xe cộ, điện thoại... Mặc dù tiêu sản là thứ phục vụ cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên cũng không phải vì thế mà chúng ta dồn tất cả của cải, vay nợ để mua sắm tiêu sản. Bởi xét cho cùng, chúng ta đều phải bỏ tài sản ra để mua tiêu sản (rút tiền tiết kiệm để mua xe máy, bán miếng đất đầu tư để mua ô tô...). Nếu không duy trì và phát triển quy mô tài sản, thì tương lai sẽ chẳng có gì để đổi lấy tiêu sản.
Ngoài ra nếu mục đích của bạn là hướng đến tự do tài chính, thì gánh nợ vay lớn, lãi suất cao không phải là một ý hay. Ai có thể tự do tự tại khi phải lo lắng trả nợ cơ chứ?
0 comments:
Đăng nhận xét