Giá cổ phiếu các công ty chứng khoán (tôi gọi vui là các công ty “phố wall” tại Việt Nam) trong thời gian gần đây tăng không ngừng nghỉ. Kể từ mức đáy covid (tháng 3/2020), giá một số cổ phiếu đã tăng gấp 6 - 8 lần, thậm chí nhiều hơn, kéo theo mức định giá cũng lên mức đỉnh mọi thời đại (PB từ 4-5 lần). Đằng sau mức tăng giá phi thường đó là nhiều câu chuyện hay như: (1) Tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán vẫn còn ở mức thấp (3% - 4% dân số), người dân sắp chuyển từ thời kỳ tiết kiệm sang đầu tư nên tiềm năng tương lai rất tươi sáng; (2) Các công ty chứng khoán cho ra mắt eKYC khiến việc mở tài khoản online dễ đàng hơn; (3) Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục duy trì ở mức cao, là ngành hiếm hoi lãi to trong bối cảnh covid; (4) Liên tục tăng vốn, đẩy mạnh cho vay margin nên kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh.
Tôi không phủ nhận các câu chuyện trên, thậm chí còn đánh giá rất cao triển vọng dài hạn của ngành này như đã thể hiện ở bài viết tại link. Tuy nhiên chỉ triển vọng thôi là chưa đủ để ra quyết định đầu tư, bởi một mức giá quá đắt có thể đã phản ánh hết (thậm chí là vượt quá) triển vọng đó rồi. Một số người bạn gần đây hỏi tôi có nên đầu tư cổ phiếu ngành này không, tôi đều khuyên rằng với mức định giá rất cao ở thời điểm hiện tại, hãy cân nhắc kỹ một số rủi ro như sau:
- (1) Ngành chứng khoán là một ngành chu kỳ, nên nếu chỉ nhìn P/E thấy rẻ để mua thì có thể mua đúng lúc E (Lợi nhuận sau thuế) đạt đỉnh, thay vào đó hãy nhìn P/B và mức ROE bình quân cả 1 chu kỳ. Nếu bạn không chuyên về tài chính thì có thể bỏ qua câu trên, hãy hiểu đơn giản là khi thị trường chứng khoán tăng giá (như năm 2020 và 2021), ai đầu tư cũng thắng, thì số lượng khách hàng của các công ty chứng khoán nhiều lên, cho vay margin được nhiều, danh mục tự doanh cũng lãi to, dẫn đến lợi nhuận khủng. Nhưng khi thị trường chứng khoán đi ngang hoặc giảm giá, nhiều nhà đầu tư lỗ bắt đầu rời bỏ thị trường, doanh thu phí giao dịch giảm, cho vay margin giảm, lợi nhuận tự doanh cũng kém hơn, thì khoản lãi khủng ở trên sẽ không duy trì được nữa, thậm chí giảm mạnh.
- (2) Xu hướng nhà nhà “chơi” chứng khoán trong đại dịch covid-19 liệu có phải là xu hướng bền vững? Xu hướng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này như: người dân thất nghiệp muốn kiếm thêm thu nhập, thị trường toàn cầu sụt giảm mạnh vào tháng 3/2020 mang lại mức định giá hấp dẫn, các chính sách bơm tiền kích thích kinh tế tạo ra quá nhiều tiền nhàn rỗi… Các nguyên nhân nói trên hẳn không phải là nguyên nhân bền vững để kích thích sự phát triển của ngành. Liệu người dân còn đầu tư chứng khoán khi covid-19 kết thúc, khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại và mức định giá chứng khoán không còn hấp dẫn?
- (3) Cạnh tranh trong ngành rất cao, vẫn còn đó cuộc chiến về phí. Trước năm 2020, cuộc chiến zero-fee, giảm lãi vay margin đã khiến biên lợi nhuận của các công ty trong ngành giảm mạnh. Từ năm 2020 trở lại đây, vì quy mô thị trường (số lượng khách hàng mới) nở ra quá nhanh nên chúng ta không nhìn rõ áp lực cạnh tranh này. Nhưng hãy nhớ rằng nguồn vốn giá rẻ của các CTCK Hàn Quốc vẫn còn đó, các CTCK lớn trong nước liên tục tăng vốn để chiếm lĩnh thị phần trong tương lai, sự tham gia của nhiều tay chơi mới như TCBS (trước đây chỉ tập trung mảng trái phiếu) khiến cạnh tranh trong ngành ngày càng cao.
Khi ra quyết định đầu tư, tôi khá thích áp dụng phương pháp 4M của Phil Town, trong đó chữ “M” thứ 4 rất quan trọng, là Margin of safety, hiểu đơn giản là trả một mức giá hợp lý. Nếu trả một mức giá quá cao, cho dù đó là doanh nghiệp tốt đi chăng nữa, thì bạn hoàn toàn có thể phải ở “Trên đỉnh” một thời gian khá dài (tham khảo bài viết về điều này tại link). Đánh đổi với điều đó là chi phí cơ hội, chi phí lãi vay (nêu có vay), cắt lỗ, và rất nhiều chi phí ẩn khác (như cảm xúc),…. Tôi hi vọng rằng các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư mới) nên tỉnh táo, cẩn trọng khi ra quyết định đầu tư vào lúc này.
Tuyên bố miễn trách: Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, không khuyến nghị mua bán cổ phiếu, và thực tế tôi cũng không đoán được giá cổ phiếu tăng hay giảm.
Công bố về mâu thuẫn lợi ích: Tại thời điểm viết và đăng bài, tôi không nắm giữ vị thế nào liên quan đến cổ phiếu ngành chứng khoán, không được hưởng lợi từ việc tăng/giảm giá cổ phiếu ngành này.
0 comments:
Đăng nhận xét