Trái phiếu doanh
nghiệp là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp. Có thể hiểu đơn
giản là doanh nghiệp vay tiền của nhà đầu tư, đưa cho nhà đầu tư ‘trái phiếu’ để
làm bằng chứng là đã vay tiền và sẽ trả lại cả gốc và lãi trong tương lai.
Như vậy nhà đầu tư nếu nắm giữ trái phiếu đến đáo hạn sẽ thu được lợi nhuận là phần lãi suất doanh nghiệp cam kết trả cộng với tiền gốc cho vay. Rủi ro xảy ra nếu doanh nghiệp kinh doanh kém đi hoặc gặp biến cố nào đó dẫn đến không trả được nợ, thì nhà đầu tư sẽ tốn nhiều thời gian và công sức để đòi lại tiền của mình như : Thảo luận với doanh nghiệp để đưa ra phương án tái cơ cấu nợ phù hợp (tức là cho doanh nghiệp thêm một khoản thời gian để kiếm tiền trả nợ), hoặc bán tài sản bảo đảm. Trong trường hợp rủi ro nhất, nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc toàn bộ tiền đầu tư nếu doanh nghiệp phá sản hoàn toàn và trái phiếu không có tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp nhà đầu tư bán trái phiếu trước thời điểm đáo hạn, thì giá mua đi bán lại sẽ thực hiện theo giá thị trường của trái phiếu tại thời điểm bán (chứ không phải giá trị gốc ghi trên trái phiếu). Giá thị trường lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất thị trường, tình trang doanh nghiệp (tốt lên hay xấu đi), cung cầu và các yếu tố thị trường khác. Ví dụ như thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư bán lại trái phiếu ồ ạt do lo ngại về các rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, rủi ro liên quan đến pháp lý .v.v. khiến lượng cung tăng cao trong khi lượng cầu không có, làm cho giá trái phiếu giảm rất mạnh, nhà đầu tư thua lỗ. Trong khi đó nếu doanh nghiệp vẫn đủ khả năng trả nợ, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng và nắm giữ đến đáo hạn, thì sẽ không phải chịu những tổn thất như vậy.
Với các giải thích
ở bên trên, nhà đầu tư có thể hình dung được phần nào rủi ro liên quan đến trái
phiếu doanh nghiệp. Rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm an
toàn như gửi tiết kiệm ngân hàng – vốn vẫn được ngân hàng nhà nước bảo vệ. Các
văn bản pháp luật từ nhiều năm nay đã quy định chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới
được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Như thế nào là nhà đầu tư chuyên nghiệp ?
– Đó là nhà đầu tư có thể tự đánh giá được các rủi ro của việc đầu tư và chấp
nhận được các rủi ro đó để tự ra quyết định đầu tư (và đáp ứng các điều kiện
quy định tại luật). Còn đối với các nhà đầu tư phổ thông (không chuyên) thì nên
lựa chọn một quỹ đầu tư trái phiếu được cấp phép, có uy tín để đầu tư hoặc gửi
tiết kiệm tại các ngân hàng cho an toàn. Hi vọng rằng trong tương lai gần thị
trường trái phiếu sẽ phát triển hơn, lành mạnh hơn, nhiều doanh nghiệp tốt phát
hành trái phiếu và các nhà đầu tư sẽ có kiến thức tốt hơn để tham gia.
0 comments:
Đăng nhận xét