Thời gian trước,
tôi được một người thân gửi tiền nhờ đầu tư chứng khoán. Thời điểm đó là
bull-market, xung quanh ai cũng khoe lãi chứng khoán, chỉ cần mua là có lãi,…
do đó tôi rất sợ người thân nghĩ rằng đầu tư là không có rủi ro, không bao giờ mất
tiền, sợ rằng tôi sẽ phải ‘đền tiền’ nếu làm thua lỗ. Tôi mới hỏi lại để làm
rõ: ‘Đầu tư là có rủi ro đó, nếu năm tới lỗ 20% thì có chịu được không ?’. Thế là người đó giãy nảy lên: ‘Có thể lỗ
à, thế thì thôi không đầu tư nữa, để đi mua đất’. Có lẽ thị trường năm
2020-2021 đã dạy cho nhiều nhà đầu tư bài học sai lầm đó.
Đã đầu tư là đi kèm với rủi ro. Kể cả mua đất cũng phải đối mặt với các rủi ro như pháp lý (đất không cấp được sổ đỏ, đất vướng quy hoạch…), rủi ro thị trường (giá đất giảm và duy trì ở mức giá thấp trong nhiều năm…), rủi ro thanh khoản (khi thị trường đóng băng không bán được) .v.v.. Hay kể cả gửi tiết kiệm cũng gặp rủi ro mất tiền nếu gửi tại các ngân hàng yếu kém (rất may hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn đứng ra bảo vệ lợi ích người gửi tiền). Đầu tư chứng khoán cũng vậy, cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể kể đến một số rủi ro sau :
(1) Rủi ro thị trường: Thị trường chứng khoán chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như về vĩ mô, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chính trị, tin đồn, cung cầu .v.v.. khiến giá cổ phiếu biến động hàng ngày và rất khó đoán. Không thể kỳ vọng mua cổ phiếu xong là có lãi ngay hoặc lúc nào cũng có lãi. Thậm chí khi thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu có thể ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài dài - mặc dù đó là doanh nghiệp tốt và giá thấp hơn giá trị thật rất nhiều. Ví dụ gần nhất chính là thị trường chứng khoán năm 2022, nhiều yếu tố tác động đã khiến VNIndex và nhiều cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị thật của nó.
(2) Rủi ro mua phải cổ phiếu rác/bị thao túng: Đây là rủi ro mua phải các doanh nghiệp rỗng/rác, hoạt động kinh doanh không có gì nhưng giá cổ phiếu được bơm thổi lên rất cao. Mua phải loại cổ phiếu này thì việc lãi lỗ phụ thuộc nhiều vào người bí ẩn tên ‘lái’. Nếu nhà đầu tư mua đúng đỉnh thì việc bán cắt lỗ có khi cũng khó vì giá cổ phiếu thường ‘sàn trắng bên mua’. Ví dụ điển hình là các cổ phiếu thuộc họ ROS (hình dưới), hay họ Louis mới bị phanh phui trong năm trước (2022).
(3) Rủi ro mua với giá quá đắt: Ngay kể cả khi nhà đầu tư mua được một doanh nghiệp tốt, nhưng trả một cái giá quá cao, thì cũng có thể mất nhiều thơi gian đề thu hồi lại vốn. Ví dụ điển hình như đu đỉnh cổ phiếu FPT vào năm 2008 thì đến năm 2019 mới ‘về bờ’ (hình dưới).
Hình 2: Diễn biến giá cổ phiếu FPT từ năm 2008 đến 2020.
(4) Rủi ro biến cố trong kinh doanh: Ví dụ gần nhất có lẽ là Covid-19. Sự diễn ra bất ngờ của Covid-19 đã khiến Vietnam Airline lỗ gần 35 nghìn tỷ đồng trong 3 năm 2020 – 2022, tương đương với lợi nhuận của 14 năm kinh doanh ổn định (lợi nhuận khoảng 2,300 tỷ/năm). Rõ ràng biến cố Covid đã khiến giá trị của Vietnam Airline giảm đi rất nhiều.
Tổng kết lại, đầu tư chứng khoán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu muốn tự đầu tư thành công thì phải có kiến thức, kỹ năng phù hợp – hãy coi đây là một nghề như các nghề khác, không có đầu bếp dở nào mà nhà hàng lại đông khách cả. Còn nếu ủy thác cho các chuyên gia hay gửi tiền vào các quỹ đầu tư thì phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu. Bất cứ chuyên gia nào mà cam kết bao lỗ thì nên dè chừng bởi luật pháp không cho phép ‘bao lỗ’, và điều này mang lại rủi ro rất lớn cho ‘chuyên gia’ đó về cả mặt luật pháp lẫn tài chính.
0 comments:
Đăng nhận xét