Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Ethics – Môn học “đặc biệt” của chương trình CFA

Môn học Ethical & Professional standards (Đạo đức và các chuẩn mực nghề nghiệp) là một chủ đề quan trọng của chương trình CFA, chiếm một trọng số lớn trong cả 3 level (10% - 20%). Đây cũng chính là điểm khác biệt so với các chứng chỉ hành nghề khác. CFA Institue thậm chí còn cung cấp các tài liệu miễn phí liên quan đến chủ đề này tại đây.

Nguồn: Efficient learning

Tại sao CFA lại đề cao Đạo đức nghề nghiệp ?

Cám dỗ to lớn

Không giống như anh kế toán viên ăn cắp vài đồng bạc lẻ nhờ khai khống hóa đơn, hay cô kế toán trưởng thụt quỹ có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Những người làm việc trong lĩnh vực tài chính/chứng khoán/đầu tư có thể kiếm rất nhiều tiền từ các hành động phi đạo đức mà rất khó bị phát hiện, không phải chịu trách nhiệm, và thiệt hại lên các chủ thể khác cũng rất khó đo lường và đong đếm.

Ví dụ như CEO một ngân hàng nào đó ở bên Mỹ vừa kịp bán ra hàng triệu cổ phiếu, bảo toàn hàng chục triệu USD trước khi ngân hàng này phá sản. Hay như một Quỹ đầu tư giả định nào đó, huy động được rất nhiều tiền nhưng không đem đi đầu tư phục vụ lợi ích của khách hàng, mà đem tiền đi làm “deal” để thu lợi riêng. Rồi như đại gia TVQ của Việt Nam bị kết luận là thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ việc thao túng cổ phiếu….

Với mức lợi ích kinh tế khổng lồ như vậy, rất dễ đề người làm nghề sa ngã, do đó CFA đưa chủ đề Ethics vào với hi vọng tạo ra một vòng bảo vệ vô hình trước những cám dỗ trong nghề.

Để bảo vệ “miếng cơm manh áo” của người làm nghề

Ngành tài chính nói chung hoạt động dựa trên niềm tin: Ngân hàng cho khách hàng vay vì tin tưởng khách hàng đó sử dụng vốn đúng mục đích, đủ năng lực trả nợ; Nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp vì tin tưởng doanh nghiệp đó kinh doanh đàng hoàng, có lãi; Nhà đầu tư ủy thác tiền cho các Quỹ đầu tư vì tin tưởng rằng các Quỹ đầu tư đó sẽ giúp mình kiếm lời… Nếu niềm tin tan vỡ, ngành tài chính sẽ sụp đổ.

Hãy nhìn ví dụ gần nhất tại Việt Nam, niềm tin trên thị trường trái phiếu không còn, các doanh nghiệp không thể huy động được vốn để kinh doanh; hay ví dụ tại thị trường Mỹ, khách hàng liên tục rút tiền khỏi các ngân hàng địa phương vì “mất niềm tin” chứ không phải vì các ngân hàng này gặp vấn đề; rồi các quỹ đầu tư bị rút vốn vì nhà đầu tư không còn tin tưởng vào người điều hành quỹ nữa.

Như vậy có thể nói đề cao Đạo đức nghề nghiệp chính là để bảo vệ “miếng cơm manh áo” của chính người làm nghề.

Rộng hơn là bảo vệ lợi ích của các bên liên quan

Khi có những người thu lợi bất chính, chắc chắn sẽ có những người khác bị thiệt hại. Như trường hợp của CEO ngân hàng, hay trường hợp của đại gia TVQ nêu trên, người thiệt hại là nghìn nhà đầu tư mua vào cổ phiếu với niềm tin là ngân hàng/doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt. Rồi một vài trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định, dẫn đến các doanh nghiệp tốt không thể huy động được vốn. Chính vì vậy, việc hạn chế những hành động phi đạo đức không chỉ bảo vệ người làm nghề, mà còn bảo vệ lợi ích của các chủ thể liên quan. 

Share:

0 comments:

Đăng nhận xét