Hiển thị các bài đăng có nhãn CFA. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CFA. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Ethics – Môn học “đặc biệt” của chương trình CFA

Môn học Ethical & Professional standards (Đạo đức và các chuẩn mực nghề nghiệp) là một chủ đề quan trọng của chương trình CFA, chiếm một trọng số lớn trong cả 3 level (10% - 20%). Đây cũng chính là điểm khác biệt so với các chứng chỉ hành nghề khác. CFA Institue thậm chí còn cung cấp các tài liệu miễn phí liên quan đến chủ đề này tại đây.

Nguồn: Efficient learning

Tại sao CFA lại đề cao Đạo đức nghề nghiệp ?

Cám dỗ to lớn

Không giống như anh kế toán viên ăn cắp vài đồng bạc lẻ nhờ khai khống hóa đơn, hay cô kế toán trưởng thụt quỹ có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Những người làm việc trong lĩnh vực tài chính/chứng khoán/đầu tư có thể kiếm rất nhiều tiền từ các hành động phi đạo đức mà rất khó bị phát hiện, không phải chịu trách nhiệm, và thiệt hại lên các chủ thể khác cũng rất khó đo lường và đong đếm.

Ví dụ như CEO một ngân hàng nào đó ở bên Mỹ vừa kịp bán ra hàng triệu cổ phiếu, bảo toàn hàng chục triệu USD trước khi ngân hàng này phá sản. Hay như một Quỹ đầu tư giả định nào đó, huy động được rất nhiều tiền nhưng không đem đi đầu tư phục vụ lợi ích của khách hàng, mà đem tiền đi làm “deal” để thu lợi riêng. Rồi như đại gia TVQ của Việt Nam bị kết luận là thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ việc thao túng cổ phiếu….

Với mức lợi ích kinh tế khổng lồ như vậy, rất dễ đề người làm nghề sa ngã, do đó CFA đưa chủ đề Ethics vào với hi vọng tạo ra một vòng bảo vệ vô hình trước những cám dỗ trong nghề.

Để bảo vệ “miếng cơm manh áo” của người làm nghề

Ngành tài chính nói chung hoạt động dựa trên niềm tin: Ngân hàng cho khách hàng vay vì tin tưởng khách hàng đó sử dụng vốn đúng mục đích, đủ năng lực trả nợ; Nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp vì tin tưởng doanh nghiệp đó kinh doanh đàng hoàng, có lãi; Nhà đầu tư ủy thác tiền cho các Quỹ đầu tư vì tin tưởng rằng các Quỹ đầu tư đó sẽ giúp mình kiếm lời… Nếu niềm tin tan vỡ, ngành tài chính sẽ sụp đổ.

Hãy nhìn ví dụ gần nhất tại Việt Nam, niềm tin trên thị trường trái phiếu không còn, các doanh nghiệp không thể huy động được vốn để kinh doanh; hay ví dụ tại thị trường Mỹ, khách hàng liên tục rút tiền khỏi các ngân hàng địa phương vì “mất niềm tin” chứ không phải vì các ngân hàng này gặp vấn đề; rồi các quỹ đầu tư bị rút vốn vì nhà đầu tư không còn tin tưởng vào người điều hành quỹ nữa.

Như vậy có thể nói đề cao Đạo đức nghề nghiệp chính là để bảo vệ “miếng cơm manh áo” của chính người làm nghề.

Rộng hơn là bảo vệ lợi ích của các bên liên quan

Khi có những người thu lợi bất chính, chắc chắn sẽ có những người khác bị thiệt hại. Như trường hợp của CEO ngân hàng, hay trường hợp của đại gia TVQ nêu trên, người thiệt hại là nghìn nhà đầu tư mua vào cổ phiếu với niềm tin là ngân hàng/doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt. Rồi một vài trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định, dẫn đến các doanh nghiệp tốt không thể huy động được vốn. Chính vì vậy, việc hạn chế những hành động phi đạo đức không chỉ bảo vệ người làm nghề, mà còn bảo vệ lợi ích của các chủ thể liên quan. 

Share:

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

SVB có thật sự chết vì “giấu lỗ” đầu tư trái phiếu?

Trong tuần qua, một số ngân hàng nhỏ tại Mỹ gặp khó khăn, điển hình là Silicon Valley Bank (SVB), khi khách hàng rút tiền quy mô lớn, buộc phải bán trái phiếu HTM (loại trái phiếu được phân loại nắm đến đáo hạn) trước thời hạn, ghi nhận một khoản lỗ lớn do giá các trái phiếu đã giảm mạnh, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Trên các diễn đàn xuất hiện một số luồng quan điểm là SVB đầu tư quá rủi ro, phân bổ quá nhiều vào trái phiếu, đồng thời giấu lỗ khi phân loại phần lớn trái phiếu này thành HTM thay vì AFS (loại phải mark – to – market). Liệu có thật sự như vậy?

Ngân hàng thương mại hoạt động như thế nào?

Trước tiên ta hãy cùng tìm hiểu một ngân hàng thương mại truyền thống hoạt động như thế nào.

Ngân hàng thương mại truyền thống sẽ huy động tiền nhàn rỗi từ các cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế, sau đó dùng nguồn tiền này để cho vay ăn chênh lệch lãi suất. Và để có thể cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất huy động, kỳ hạn các khoản cho vay thường dài, trong khi các khoản huy động thường có kỳ hạn ngắn.

Chính vì có sự chênh lệnh kỳ hạn giữa bên phần tài sản (cho vay) và nợ phải trả (huy động), để đảm bảo nhu cầu thanh khoản, ngân hàng sẽ không cho vay 100% số tiền huy động được, mà thường để khoảng 10%-15% dự trữ để khi người gửi cần rút tiền thì có thể trả lại ngay. Các khoản dữ trữ thường để dưới dạng tiền mặt, tiền gửi lại ngân hàng nhà nước, và đầu tư vào tài sản thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ .v.v.) để kiếm một chút lợi tức bù đắp cho chi phí huy động.

Thông thường các ngân hàng đều hướng đến xây dựng một nguồn huy động ổn định. Mặc dù kỳ hạn các khoản huy động là ngắn, nhưng phần lớn khách hàng sẽ tái tục, và luôn có một lượng khách hàng gửi mới vào bù đắp cho lượng tiền rút ra. Như vậy ngân hàng nhìn chung ngân hàng sẽ yên tâm mang tiền đi cho vay kỳ hạn dài.

Việc khách hàng rút vốn quy mô lớn (bank-run) là ác mộng đối với ngân hàng, bởi ngân hàng không thể thu hồi các khoản cho vay của mình trong thời gian ngắn. Trong trường hợp này ngân hàng phải nhanh chóng huy động nguồn vốn mới với chi phí rất cao hoặc phải bán thanh lý tài sản với giá rẻ mạt để có tiền trả cho khách hàng. Trường hợp xấu nhất, ngân hàng phải cầu cứu đến Ngân hàng Nhà nước đứng ra đảm bảo và hỗ trợ thanh khoản để nhanh chóng chấm rứt tình trạng rút tiền, nếu không ngân hàng sẽ phá sản.

SVB phân bổ tài sản như thế nào

Dưới đây là bảng cân đối của SVB tại cuối năm 2022 (nguồn Yahoo Finance):


Có thể thấy phần lớn tài sản của SVB được phân bổ dưới dạng tài sản thanh khoản cao như tiền (6.5%) và đầu tư trái phiếu (56,6%), trong khi quy mô các khoản cho vay khá thấp. Nguyên nhân là Ngân hàng này huy động được quá nhiều tiền, chủ yếu là từ các công ty công nghệ, trong 2 năm Covid nhưng chưa cho vay ra được. 76% các trái phiếu của SVB được phân loại vào HTM, có tính chất tương tự như các khoản cho vay, nhằm kiếm một mức lợi suất nhất định bù đắp chi phí huy động.

Như vậy có thể thấy tài sản thanh khoản ngân hàng này rất dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền bình thường của khách. Nhưng khách hàng lại rút tiền một cách “không bình thường”. Chỉ trong một ngày, quy mô tiền gửi yêu cầu rút ra lên đến 42 tỷ (tương đương 25% tổng tiền gửi, 20% tổng tài sản), khiến SVB phải thanh lý các trái phiếu HTM của mình và ghi nhận lỗ (do phần lớn các trái phiếu này đầu tư trong giai đoạn lợi suất thấp).

Trái phiếu HTM có phải là cách SVB giấu lỗ?

Giáo sư Mark Meldrum có một video rất hay về vấn đề này, link video tại đây.

Trước tiên hãy lấy một ví dụ đơn giản để hiểu 2 định nghĩa: Carrying value và Fair value của trái phiếu.

+ Đầu tư một trái phiếu 100 tỷ, lợi suất 2%, thời hạn 1 năm: Nếu bỏ qua rủi ro tín dụng và nắm đến đáo hạn (nắm giữ 1 năm), thì chắc chắn sẽ nhận được 102 tỷ, không ảnh hưởng bởi lãi suất thị trường. Đây chính là carrying value của trái phiếu. Các khoản cho vay cũng là một loại HTM, bởi ngân hàng sẽ nắm giữ các khoản này đến đáo hạn để thu được carrying value.

+ Vẫn đầu tư trái phiếu trên, nhưng phải bán thanh lý giữa kỳ, thì sẽ phải bán thanh lý theo fair value của trái phiếu (chứ không phải carrying value). Trường hợp lãi suất thị trường tăng, fair value sẽ thấp hơn carrying value và ngược lại.

Đối với các ngân hàng thương mại, nếu mục đích đầu tư trái phiếu là thu được carrying value thì sẽ được phân loại HTM, nếu mục đích là để trading/ hoặc bán đi trong ngắn hạn để đảm bảo thanh khoản thì sẽ được phân loại Trading hoặc AFS.

Trong trường hợp của SVB, ngân hàng này phân loại 91 tỷ trái phiếu vào HTM cũng dễ hiểu. Bởi ngân hàng này chưa đẩy cho vay được, nên đầu tư vào trái phiếu để thu được lợi tức (carrying value) tương tự các khoản cho vay. Do đó không thể khẳng định SVB phân loại trái phiếu thành HTM để giấu lỗ.

Vấn đề của SVB là rủi ro tập trung bên phần huy động

Vấn đề của SVB là có một cơ cấu huy động rủi ro. Cơ cấu huy động quá tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ. Khi ngành này này gặp khó khăn, các doanh nghiệp không huy động thêm được vốn, đồng loạt rút tiền gửi về, thì SVB phải bán thanh lý các khoản trái phiếu HTM, ghi nhận lỗ theo fair value, chứ không được ghi nhận theo carrying value nữa. Trường hợp SVB không đầu tư trái phiếu HTM, mà đổi thành các khoản cho vay, thì rủi ro cũng vẫn xảy ra.

Nguồn: Báo cáo phân tích của JP Morgan.

Tại sao SVB không hedge/quản trị các rủi ro của mình?

- Ngân hàng kiếm lời dựa trên các rủi ro mà họ hiểu biết và thông thạo. Nếu hedge toàn bộ các rủi ro thì ngân hàng sẽ không kiếm được lợi nhuận. (No risk – risk free return). Sẽ chẳng có ngân hàng nào mua bảo hiểm rủi ro tín dụng cho toàn bộ các khoản cho vay cũng như hedge toàn bộ rủi ro chênh lệnh kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn.

- Rủi ro tập trung rất khó để quản trị. Tỷ lệ rút tiền lên đến 25% tổng huy động vốn trong 1 ngày vượt ngoài mọi kịch bản quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Nhà đầu tư cá nhân học được gì từ câu chuyện SVB    

SVB có CAR lên đến 15% nhưng vẫn bị xóa sổ chỉ trong 1 “nốt nhạc”, giá cổ phiếu công ty mẹ sụt mạnh trước khi nhà đầu tư biết chuyện gì đã xảy ra. Vì vậy hãy giảm sự quan tâm đến CAR, thay vào đó hãy xem ngân hàng đó đang “take risk” như thế nào cả ở 2 đầu tài sản và nguồn vốn.

Hãy cẩn trọng với những ngân hàng có rủi ro tập trung cao, bởi rủi ro này rất khó quản trị. Các phương thức quản trị rủi ro hiện tại phần lớn dựa trên dữ liệu quá khứ, còn rủi ro tập trung thì thường tạo ra thiên nga đen (những thứ chưa từng xảy ra bao giờ).

Share:

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

CFA hay FRM

CFA hay FRM là 2 chứng chỉ khá nổi tiếng và phổ biến trong ngành tài chính, được nhiều người trong ngành theo đuổi. Vậy CFA có gì khác so với FRM ? Nên học CFA hay FRM? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chứng chỉ CFA là gì tại đây.

Trước tiên, chúng ta hãy cùng so sánh một số thông tin cơ bản về 2 chứng chỉ này:

 

Điểm khác biệt quan trọng nhất  giữa CFA và FRM là gì?

Qua danh sách các môn học nêu trên, có thể dễ dàng nhận ra chương trình FRM rất chuyên sâu về quản trị rủi ro, thiên về tài chính định lượng (quantitative finance) phù hợp với công việc trong khối quản trị rủi ro tại các định chế tài chính và doanh nghiệp (ở Việt Nam, nghề quản trị rủi ro mới chỉ phổ biến trong các định chế tài chính lớn như ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán lớn, fintech…). Chương trình CFA đào tạo về traditional finance nhiều hơn (tài chính kế toán, phân tích BCTC, phân tích đầu tư…); CFA có đề cập một chút đến quản trị rủi ro, nhưng chủ yếu là quản trị rủi ro trong quản trị danh mục đầu tư, không đa dạng và chuyên sâu như FRM. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, một số vị trí nghề nghiệp nếu nghe lướt qua có thể nghĩ rằng phù hợp với FRM như: thẩm định/tái thẩm định khách hàng doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại (rất giống quản trị rủi ro); nhưng thực chất công việc này lại sử dụng nhiều kiến thức tài chính/kế toán, phân tích tài chính nên học chứng chỉ CFA sẽ phù hợp hơn.

Tóm lại, chứng chỉ FRM phù hợp nhất với người theo đuổi lĩnh vực Quản trị rủi ro. Chứng chỉ CFA có ứng dụng đa dạng hơn, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn so với FRM, đặc biệt là các công việc sử dụng kiến thức tài chính/kế toán/phân tích tài chính/phân tích đầu tư.

Share:

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

Chứng chỉ CFA là gì ?

CFA – viết tắt của Chartered Financial Analyst – là chứng chỉ cấp cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp. Để được cấp chứng chỉ này, các ứng viên phải vượt qua 3 kỳ thi (3 level), có ít nhất 4000 giờ kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đáp ứng một số điều kiện khác và … phải đóng phí thường niên (ở Việt Nam là 100 USD/năm). Người được cấp chứng chỉ được gọi là CFA Charterholder và được phép để “, CFA” sau tên mình. Chứng chỉ CFA được theo đuổi bởi nhiều người trong nghề, được săn đón bởi các nhà tuyển dụng bởi chứng chỉ này như một tờ giấy chứng nhận về chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của người sở hữu.

Chứng chỉ CFA được cấp bởi CFA Institute (Viện CFA) – trụ sở tại Mỹ. Tiền thân của viện CFA là Hiệp hội các nhà Phân tích tài chính Mỹ (FAF), thành lập năm 1947. Năm 1962, FAF thành lập Viện CFA, và đến năm 1990, 2 tổ chức này hợp nhất dưới cái tên Viện CFA. Kỳ thi CFA đầu tiên được tổ chức vào năm 1963 tại Mỹ và Canada, sau đó lan rộng ra toàn cầu.

Nội dung của chương trình CFA khá rộng, bao gồm 10 môn: Đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp, Phương pháp định lượng, Kinh tế học, Phân tích báo cáo tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Cổ phiếu, Trái phiếu, Phái sinh, Các hình thức đầu tư khác, Quản lý danh mục đầu tư và Quản lý tài sản. CFA rất coi trọng Đạo đức nghề nghiệp, nên môn học này thường chiếm tỷ trọng lớn trong cả 3 level. Người học xong chương trình CFA có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực trong ngành tài chính như: kế toán, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán, phân tích chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý nguồn vốn, trader…, tuy nhiên lĩnh vực có tính ứng dụng cao nhất là liên quan đến đầu tư/phân tích chứng khoán/quản lý quỹ. 

Chương trình CFA khá nặng, bao phủ nhiều chủ đề cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Bình quân một ứng viên mất khoảng trên 4 năm để hoàn thành cả 3 level, và mất khoảng trên 300 giờ học để hoành thành 1 level (theo Viện CFA). Mặc dù chương trình CFA không yêu cầu năng lực đầu vào, tuy nhiên để vượt qua được chương trình này, ứng viên nên có: (1) Động lực, (2) Thời gian, (3) Tiếng anh ở tầm trung, (4) Kiến thức tài chính kế toán cơ bản. Nhiều ứng viên bỏ cuộc giữa chừng vì không sắp xếp được thời gian, mất động lực, hoặc chán nản vì chương trình khó không thể theo kịp. Tỷ lệ đỗ (pass rate) của từng Level thường dưới 50%, đặc biệt tỷ lệ pass level 1 thậm chí xuống dưới 30% trong một số kỳ thi gần đây. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là động thái siết chặt, nâng cao giá trị của chứng chỉ trong bối cảnh có quá nhiều người theo đuổi chứng chỉ này.

Share: