Hiển thị các bài đăng có nhãn Tài chính cá nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tài chính cá nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Cẩn trọng các khoản vay tiêu dùng lãi suất cao

Trong vài năm trở lại đây xu hướng vay tiêu dùng, tiêu dùng trả góp lãi suất cao ngày càng trở nên thịnh hành, các công ty cho vay tiêu dùng ăn nên làm ra. Xu hướng này cũng không hẳn là xấu khi nó kích thích tiêu dùng của nền kinh tế, nhà sản xuất, nhà bán lẻ được hưởng lợi khi bán được nhiều hàng hơn. Tuy nhiên xét trên phương diện tài chính cá nhân, thì đây lại là một xu hướng không tốt.

Mua xe Lead nhưng lại thanh toán tiền bằng một chiếc SH Mode

Có thể bạn sẽ hào hứng khi sở hữu một tài sản mới nên chỉ nhìn lướt qua bảng số tiền phải trả hàng tháng mà không cộng tổng lại. Đó cũng là điểm mà các công ty cho vay tiêu dùng hay che giấu, trên bảng tính toán số tiền trả nợ sẽ chẳng bao giờ có dòng Tổng tính toán sẵn cho bạn.

Cách thức cho vay tiêu dùng thông thường là trả một số tiền bằng nhau hàng tháng, theo cách này thì số tiền gốc sẽ giảm chậm trong thời gian đầu (do tiền lãi phải trả lớn, tổng số tiền phải trả cố định, nên tiền gốc trả các kỳ đầu sẽ nhỏ). Đây là lý do mà nhiều khách hàng phàn nàn rằng họ trả nợ nhiều kỳ rồi sao số tiền gốc vẫn lớn như vậy. 

Lấy một ví dụ đơn giản: bạn dự định mua xe Lead giá 40 triệu, bạn có 8 triệu và vay 32 triệu. Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện tại từ 35%-38%/năm, thời gian vay 18 tháng, trả nợ hàng tháng. Số tiên trả nợ hàng tháng ước tính xấp xỉ 2.4 triệu đồng. Tổng số tiền trả trong suốt thời gian vay là 42 triệu đồng, cộng với khoản tiền bạn bỏ ra ban đầu là 8 triệu đồng, thì tổng số tiền phải trả cho chiếc xe Lead là khoảng 50 triệu đồng. Nếu số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài thì tổng số tiền phải trả càng lớn, thậm chí bằng giá tiền của 1 chiếc SH Mode. Chi tiết bạn có thể tham khảo tại file excel (tải về mở bằng MS Excel) !

Có thể bạn thấy chênh lệch 10 triệu đồng (giữa 40 và 50 triệu) không đáng kể, nhưng hãy so sánh với tiền tiết kiệm hàng tháng của bản thân hoặc số tiền mà bạn thu được khi gửi tiết kiệm. Nếu bạn tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng thì 10 triệu đồng chênh lệch tương đương gần nửa năm tiết kiệm (nếu bạn tiết kiệm được nhiều hơn thì khả năng bạn không cần vay vốn khi mua 1 chiếc xe máy). Hoặc 10 triệu đồng là số tiền lãi gửi tiết kiệm 40 triệu đồng trong vòng 4 năm mới tạo ra được (giả sử lãi suất tiết kiệm là 6%/năm). 

Đánh mất cơ hội gia tăng tài sản

Bên cạnh đó, việc vay tiêu dùng cũng làm cho bạn mất đi cơ hội gia tăng tài sản. Giả sử thay vì dành khoản tiền tiết kiệm hàng năm để trả nợ vay tiêu dùng và trả lãi, bạn gửi vào một quỹ đầu tư có lịch sử hoạt động ổn (các quỹ đầu tư tốt trên thị trường chứng khoán hiện tại có mức sinh lời bình quân từ 10-15%/năm), mỗi năm 24 triệu đồng, thì sau 10 năm bạn sẽ có trên 400 triệu đồng. Nếu số tiền bạn tiết kiệm càng nhiều, giá trị qua thời gian sẽ càng lớn. Bạn có thể nhập các thông số vào file excel theo khả năng tiết kiệm của bản thân để có được có được con số phù hợp với tình trạng của mình. 

Cân bằng giữa tài sản và tiêu sản

Tài sản là thứ sinh lời, gia tăng giá trị theo thời gian như tiền gửi tiết kiệm, các khoản đầu tư... Tiêu sản là thứ mất đi giá trị qua thời gian như xe cộ, điện thoại... Mặc dù tiêu sản là thứ phục vụ cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên cũng không phải vì thế mà chúng ta dồn tất cả của cải, vay nợ để mua sắm tiêu sản.  Bởi xét cho cùng, chúng ta đều phải bỏ tài sản ra để mua tiêu sản (rút tiền tiết kiệm để mua xe máy, bán miếng đất đầu tư để mua ô tô...). Nếu không duy trì và phát triển quy mô tài sản, thì tương lai sẽ chẳng có gì để đổi lấy tiêu sản.

Ngoài ra nếu mục đích của bạn là hướng đến tự do tài chính, thì gánh nợ vay lớn, lãi suất cao không phải là một ý hay. Ai có thể tự do tự tại khi phải lo lắng trả nợ cơ chứ?

Share:

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Tránh xa Binary option

Binary option là gì?

Binary option - hay còn gọi là là Quyền chọn nhị phân, là một cách thức đặt cược dựa trên biến động giá của một loại tài sản/tiền tệ (tăng hoặc giảm) trong một khoảng thời gian ngắn nhất định (1 ngày hoặc 1 giờ hoặc 1 phút). Nếu đoán đúng thì bạn sẽ nhận tiền gốc và 75% tiền lời. Nếu đoán sai thì bạn mất 100% tiền gốc. Nghe có vẻ hấp dẫn ? 

Lý thuyết về Lợi nhuận kỳ vọng

Trước tiên hãy đến với lý thuyết về lợi nhuận kỳ vọng như sau:

Giả sử bạn đầu tư vào sản phẩm A, có xác suất 30% lãi +20%, 20% lãi +10%, 50% là hòa vốn (lãi +0%). Như vậy Lợi nhuận kỳ vọng khi đầu tư vào A bằng 30% x 20% + 20% x 10% + 50% x 0% = 8%. 

Lợi nhuận kỳ vọng 8% hiểu như thế nào?

Nếu bạn đầu tư sản phẩm A rất nhiều lần, có lần bạn lãi nhiều, có lần bạn lãi ít, có lần bạn hòa vốn. Nhưng tổng kết lại sau rất nhiều lần đó thì bạn lãi trung bình khoảng 8%.

Ứng dụng như thế nào với Binary Option

Xác suất đặc cược đúng trong Binary Option là bao nhiêu?

Theo lý thuyết tài chính, việc tăng/giảm giá tài sản trong ngày/giờ/phút gần như không thể dự đoán trước, và người ta gọi điều này là Bước đi ngẫu nhiên (random walk). Vì chỉ có 2 kết quả là tăng hoặc giảm nên hãy giả sử xác suất của người chơi bình thường đoán đúng là 50%. Liệu bạn là người chơi bình thường hay người chơi xuất sắc ?

Lợi nhuận kỳ vọng khi chơi Binary Option là bao nhiêu?

Áp dụng công thức Lợi nhuận kỳ vọng bên trên, lợi nhuận kỳ vọng khi đặt cược vào Binary Option là:

                Xác suất đúng x Lợi nhuận khi đúng + Xác suất sai x Lợi nhuận khi sai

                        50%         x              75%            +         50%     x     (-100%)           =  -12.5% 

Như vậy khi đặt cược Binary Option, lợi nhuận kỳ vọng là Lỗ 12.5%.

Kết quả giả lập

Thử sử dụng Excel để giả lập 10000 lần chơi Binary option. Mỗi lần đặt cược 100 ván. Kết quả nếu đặt cược ALL-IN (toàn bộ gốc lãi ván này đánh tiếp ván sau) thì xác suất 100% là mất trắng. Trường hợp đặt cược bằng nhau (ván nào xong ván đó), thì xác suất ổn định khoảng 93% là thua lỗ. Chi tiết tham khảo file Excel đính kèm.

Kết luận

Dự vào các phân tích nêu trên có thể tạm kết luận nên tránh xa Binary Option. Hãy lựa chọn các kênh đầu tư an toàn hơn như Cổ phiếu và Trái phiếu để tích lũy xây dựng tài sản của mình.

Các bạn cũng có thể áp dụng công thức Lợi nhuận kỳ vọng nêu trên để thấy được lô đề là hình thức gần như chắc chắn lỗ. Ví dụ như chơi đề, xác suất đúng là 1/100, lợi nhuận khi đúng là 6900%, xác suất sai là 99/100, lợi nhuận khi sai là -100%. Lợi nhuận kỳ vọng là -30%.

Share:

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Tự do tài chính

Tự do tài chính có phải là giàu có không?

Không hẳn ! Tự do tài chính, theo đúng nghĩa đen của nó, là không bị phụ thuộc vào tiền bạc. Người giàu chưa hẳn đã tự do tài chính.

Tự do tài chính có nhiều cấp bậc 

Bạn có công việc với nguồn thu nhập đủ để không phải lo lắng cho các bữa ăn hàng ngày, như vậy là bạn tự do tài chính hơn những người đang bươn trải kiếm ăn từng bữa. Qua thời gian, nhờ tiết kiệm và đầu tư, bạn có một quy mô tài sản kha khá, không còn phải đắn đo mỗi khi lên đời điện thoại, hay dành ra một khoản tiền để đi chơi xa một vài lần trong năm, như vậy bạn đã tự do tài chính hơn chính mình trước kia. Có thể bạn chưa giàu có như nhưng gì bạn mong ước, tuy nhiên mỗi lần bước thêm được một nấc thang trên con đường tự do tài chính, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn.

Đo lường tự do tài chính như thế nào ?

Để đo lường tự do tài chính, bạn hãy lấy thu nhập thụ động (thu nhập mà không cần phải đi làm) chia cho tổng chi tiêu hàng năm, tỷ số này càng lớn thì mức độ tự do tài chính càng cao. Nếu thu nhập thụ động sau khi trừ đi tổng chi tiêu hàng năm vẫn đủ để bạn tái đầu tư, gia tăng tài sản tích luỹ để không bị mất giá bởi lạm phát thì bạn đã đạt đến điểm hoàn toàn tự do tài chính.

Làm sao để đạt được tự do tài chính ?

Xuất phát từ công thức đo lường nêu trên, có 2 biến số ảnh hưởng đến tự do tài chính là thu nhập thụ động và tổng chi tiêu hàng năm. Để đạt được tự do tài chính, chúng ta cần gia tăng thu nhập thụ động và/hoặc cắt giảm chi tiêu. Một trong những cách đơn giản nhất để tăng thu nhập thụ động là tăng tiết kiệm và đầu tư tài chính (như là gửi tiết kiệm, mua trái phiếu, cổ phiếu…). Còn về phía cắt giảm chi tiêu: cần liệt kê ra các khoản chi tiêu hàng tháng, hàng năm, phân loại ra các khoản chi tiêu không cần thiết và có thể cắt giảm, rồi từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện hay xây dựng thói quen để giảm được các khoản chi đó. 

Share: