CFA – viết tắt của Chartered Financial Analyst – là chứng chỉ cấp cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp. Để được cấp chứng chỉ này, các ứng viên phải vượt qua 3 kỳ thi (3 level), có ít nhất 4000 giờ kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đáp ứng một số điều kiện khác và … phải đóng phí thường niên (ở Việt Nam là 100 USD/năm). Người được cấp chứng chỉ được gọi là CFA Charterholder và được phép để “, CFA” sau tên mình. Chứng chỉ CFA được theo đuổi bởi nhiều người trong nghề, được săn đón bởi các nhà tuyển dụng bởi chứng chỉ này như một tờ giấy chứng nhận về chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của người sở hữu.
Chứng chỉ CFA được cấp bởi CFA Institute (Viện CFA) – trụ sở tại Mỹ. Tiền thân của viện CFA là Hiệp hội các nhà Phân tích tài chính Mỹ (FAF), thành lập năm 1947. Năm 1962, FAF thành lập Viện CFA, và đến năm 1990, 2 tổ chức này hợp nhất dưới cái tên Viện CFA. Kỳ thi CFA đầu tiên được tổ chức vào năm 1963 tại Mỹ và Canada, sau đó lan rộng ra toàn cầu.
Nội dung của chương trình CFA khá rộng, bao gồm 10 môn: Đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp, Phương pháp định lượng, Kinh tế học, Phân tích báo cáo tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Cổ phiếu, Trái phiếu, Phái sinh, Các hình thức đầu tư khác, Quản lý danh mục đầu tư và Quản lý tài sản. CFA rất coi trọng Đạo đức nghề nghiệp, nên môn học này thường chiếm tỷ trọng lớn trong cả 3 level. Người học xong chương trình CFA có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực trong ngành tài chính như: kế toán, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán, phân tích chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý nguồn vốn, trader…, tuy nhiên lĩnh vực có tính ứng dụng cao nhất là liên quan đến đầu tư/phân tích chứng khoán/quản lý quỹ.
Chương trình CFA khá nặng, bao phủ nhiều chủ đề cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Bình quân một ứng viên mất khoảng trên 4 năm để hoàn thành cả 3 level, và mất khoảng trên 300 giờ học để hoành thành 1 level (theo Viện CFA). Mặc dù chương trình CFA không yêu cầu năng lực đầu vào, tuy nhiên để vượt qua được chương trình này, ứng viên nên có: (1) Động lực, (2) Thời gian, (3) Tiếng anh ở tầm trung, (4) Kiến thức tài chính kế toán cơ bản. Nhiều ứng viên bỏ cuộc giữa chừng vì không sắp xếp được thời gian, mất động lực, hoặc chán nản vì chương trình khó không thể theo kịp. Tỷ lệ đỗ (pass rate) của từng Level thường dưới 50%, đặc biệt tỷ lệ pass level 1 thậm chí xuống dưới 30% trong một số kỳ thi gần đây. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là động thái siết chặt, nâng cao giá trị của chứng chỉ trong bối cảnh có quá nhiều người theo đuổi chứng chỉ này.