Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

Chứng chỉ CFA là gì ?

CFA – viết tắt của Chartered Financial Analyst – là chứng chỉ cấp cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp. Để được cấp chứng chỉ này, các ứng viên phải vượt qua 3 kỳ thi (3 level), có ít nhất 4000 giờ kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đáp ứng một số điều kiện khác và … phải đóng phí thường niên (ở Việt Nam là 100 USD/năm). Người được cấp chứng chỉ được gọi là CFA Charterholder và được phép để “, CFA” sau tên mình. Chứng chỉ CFA được theo đuổi bởi nhiều người trong nghề, được săn đón bởi các nhà tuyển dụng bởi chứng chỉ này như một tờ giấy chứng nhận về chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của người sở hữu.

Chứng chỉ CFA được cấp bởi CFA Institute (Viện CFA) – trụ sở tại Mỹ. Tiền thân của viện CFA là Hiệp hội các nhà Phân tích tài chính Mỹ (FAF), thành lập năm 1947. Năm 1962, FAF thành lập Viện CFA, và đến năm 1990, 2 tổ chức này hợp nhất dưới cái tên Viện CFA. Kỳ thi CFA đầu tiên được tổ chức vào năm 1963 tại Mỹ và Canada, sau đó lan rộng ra toàn cầu.

Nội dung của chương trình CFA khá rộng, bao gồm 10 môn: Đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp, Phương pháp định lượng, Kinh tế học, Phân tích báo cáo tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Cổ phiếu, Trái phiếu, Phái sinh, Các hình thức đầu tư khác, Quản lý danh mục đầu tư và Quản lý tài sản. CFA rất coi trọng Đạo đức nghề nghiệp, nên môn học này thường chiếm tỷ trọng lớn trong cả 3 level. Người học xong chương trình CFA có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực trong ngành tài chính như: kế toán, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán, phân tích chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý nguồn vốn, trader…, tuy nhiên lĩnh vực có tính ứng dụng cao nhất là liên quan đến đầu tư/phân tích chứng khoán/quản lý quỹ. 

Chương trình CFA khá nặng, bao phủ nhiều chủ đề cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Bình quân một ứng viên mất khoảng trên 4 năm để hoàn thành cả 3 level, và mất khoảng trên 300 giờ học để hoành thành 1 level (theo Viện CFA). Mặc dù chương trình CFA không yêu cầu năng lực đầu vào, tuy nhiên để vượt qua được chương trình này, ứng viên nên có: (1) Động lực, (2) Thời gian, (3) Tiếng anh ở tầm trung, (4) Kiến thức tài chính kế toán cơ bản. Nhiều ứng viên bỏ cuộc giữa chừng vì không sắp xếp được thời gian, mất động lực, hoặc chán nản vì chương trình khó không thể theo kịp. Tỷ lệ đỗ (pass rate) của từng Level thường dưới 50%, đặc biệt tỷ lệ pass level 1 thậm chí xuống dưới 30% trong một số kỳ thi gần đây. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là động thái siết chặt, nâng cao giá trị của chứng chỉ trong bối cảnh có quá nhiều người theo đuổi chứng chỉ này.

Share:

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Đầu tư chứng khoán có lỗ không?

Trong bài viết này đầu tư chứng khoán có nghĩa là đầu tư cổ phiếu.

Thời gian trước, tôi được một người thân gửi tiền nhờ đầu tư chứng khoán. Thời điểm đó là bull-market, xung quanh ai cũng khoe lãi chứng khoán, chỉ cần mua là có lãi,… do đó tôi rất sợ người thân nghĩ rằng đầu tư là không có rủi ro, không bao giờ mất tiền, sợ rằng tôi sẽ phải ‘đền tiền’ nếu làm thua lỗ. Tôi mới hỏi lại để làm rõ: ‘Đầu tư là có rủi ro đó, nếu năm tới lỗ 20% thì có chịu được không ?. Thế là người đó giãy nảy lên: ‘Có thể lỗ à, thế thì thôi không đầu tư nữa, để đi mua đất’. Có lẽ thị trường năm 2020-2021 đã dạy cho nhiều nhà đầu tư bài học sai lầm đó.

Đã đầu tư là đi kèm với rủi ro. Kể cả mua đất cũng phải đối mặt với các rủi ro như pháp lý (đất không cấp được sổ đỏ, đất vướng quy hoạch…), rủi ro thị trường (giá đất giảm và duy trì ở mức giá thấp trong nhiều năm…), rủi ro thanh khoản (khi thị trường đóng băng không bán được) .v.v.. Hay kể cả gửi tiết kiệm cũng gặp rủi ro mất tiền nếu gửi tại các ngân hàng yếu kém (rất may hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn đứng ra bảo vệ lợi ích người gửi tiền). Đầu tư chứng khoán cũng vậy, cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể kể đến một số rủi ro sau :

(1) Rủi ro thị trường: Thị trường chứng khoán chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như về vĩ mô, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chính trị, tin đồn, cung cầu .v.v.. khiến giá cổ phiếu biến động hàng ngày và rất khó đoán. Không thể kỳ vọng mua cổ phiếu xong là có lãi ngay hoặc lúc nào cũng có lãi. Thậm chí khi thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu có thể ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài dài - mặc dù đó là doanh nghiệp tốt và giá thấp hơn giá trị thật rất nhiều. Ví dụ gần nhất chính là thị trường chứng khoán năm 2022, nhiều yếu tố tác động đã khiến VNIndex và nhiều cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị thật của nó.

(2) Rủi ro mua phải cổ phiếu rác/bị thao túng: Đây là rủi ro mua phải các doanh nghiệp rỗng/rác, hoạt động kinh doanh không có gì nhưng giá cổ phiếu được bơm thổi lên rất cao. Mua phải loại cổ phiếu này thì việc lãi lỗ phụ thuộc nhiều vào người bí ẩn tên ‘lái’. Nếu nhà đầu tư mua đúng đỉnh thì việc bán cắt lỗ có khi cũng khó vì giá cổ phiếu thường ‘sàn trắng bên mua’. Ví dụ điển hình là các cổ phiếu thuộc họ ROS (hình dưới), hay họ Louis mới bị phanh phui trong năm trước (2022). 

Hình 1: Diễn biến giá cổ phiếu ROS: sau khi bị thao túng thổi giá lên trên 150 nghìn, giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh và có lúc xuống giá 'trà đá'.

(3) Rủi ro mua với giá quá đắt: Ngay kể cả khi nhà đầu tư mua được một doanh nghiệp tốt, nhưng trả một cái giá quá cao, thì cũng có thể mất nhiều thơi gian đề thu hồi lại vốn. Ví dụ điển hình như đu đỉnh cổ phiếu FPT vào năm 2008 thì đến năm 2019 mới ‘về bờ’ (hình dưới).

Hình 2: Diễn biến giá cổ phiếu FPT từ năm 2008 đến 2020.

(4) Rủi ro biến cố trong kinh doanh: Ví dụ gần nhất có lẽ là Covid-19. Sự diễn ra bất ngờ của Covid-19 đã khiến Vietnam Airline lỗ gần 35 nghìn tỷ đồng trong 3 năm 2020 – 2022, tương đương với lợi nhuận của 14 năm kinh doanh ổn định (lợi nhuận khoảng 2,300 tỷ/năm). Rõ ràng biến cố Covid đã khiến giá trị của Vietnam Airline giảm đi rất nhiều.

Tổng kết lại, đầu tư chứng khoán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu muốn tự đầu tư thành công thì phải có kiến thức, kỹ năng phù hợp – hãy coi đây là một nghề như các nghề khác, không có đầu bếp dở nào mà nhà hàng lại đông khách cả. Còn nếu ủy thác cho các chuyên gia hay gửi tiền vào các quỹ đầu tư thì phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu. Bất cứ chuyên gia nào mà cam kết bao lỗ thì nên dè chừng bởi luật pháp không cho phép ‘bao lỗ’, và điều này mang lại rủi ro rất lớn cho ‘chuyên gia’ đó về cả mặt luật pháp lẫn tài chính.

Share:

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Trái phiếu doanh nghiệp là gì, có nên đầu tư?

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp. Có thể hiểu đơn giản là doanh nghiệp vay tiền của nhà đầu tư, đưa cho nhà đầu tư ‘trái phiếu’ để làm bằng chứng là đã vay tiền và sẽ trả lại cả gốc và lãi trong tương lai.

Như vậy nhà đầu tư nếu nắm giữ trái phiếu đến đáo hạn sẽ thu được lợi nhuận là phần lãi suất doanh nghiệp cam kết trả cộng với tiền gốc cho vay. Rủi ro xảy ra nếu doanh nghiệp kinh doanh kém đi hoặc gặp biến cố nào đó dẫn đến không trả được nợ, thì nhà đầu tư sẽ tốn nhiều thời gian và công sức để đòi lại tiền của mình như : Thảo luận với doanh nghiệp để đưa ra phương án tái cơ cấu nợ phù hợp (tức là cho doanh nghiệp thêm một khoản thời gian để kiếm tiền trả nợ), hoặc bán tài sản bảo đảm. Trong trường hợp rủi ro nhất, nhà đầu tư có thể mất một phần hoặc toàn bộ tiền đầu tư nếu doanh nghiệp phá sản hoàn toàn và trái phiếu không có tài sản bảo đảm.  

Trong trường hợp nhà đầu tư bán trái phiếu trước thời điểm đáo hạn, thì giá mua đi bán lại sẽ thực hiện theo giá thị trường của trái phiếu tại thời điểm bán (chứ không phải giá trị gốc ghi trên trái phiếu). Giá thị trường lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất thị trường, tình trang doanh nghiệp (tốt lên hay xấu đi), cung cầu và các yếu tố thị trường khác. Ví dụ như thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư bán lại trái phiếu ồ ạt do lo ngại về các rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, rủi ro liên quan đến pháp lý .v.v. khiến lượng cung tăng cao trong khi lượng cầu không có, làm cho giá trái phiếu giảm rất mạnh, nhà đầu tư thua lỗ. Trong khi đó nếu doanh nghiệp vẫn đủ khả năng trả nợ, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng và nắm giữ đến đáo hạn, thì sẽ không phải chịu những tổn thất như vậy.

Với các giải thích ở bên trên, nhà đầu tư có thể hình dung được phần nào rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm an toàn như gửi tiết kiệm ngân hàng – vốn vẫn được ngân hàng nhà nước bảo vệ. Các văn bản pháp luật từ nhiều năm nay đã quy định chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Như thế nào là nhà đầu tư chuyên nghiệp ? – Đó là nhà đầu tư có thể tự đánh giá được các rủi ro của việc đầu tư và chấp nhận được các rủi ro đó để tự ra quyết định đầu tư (và đáp ứng các điều kiện quy định tại luật). Còn đối với các nhà đầu tư phổ thông (không chuyên) thì nên lựa chọn một quỹ đầu tư trái phiếu được cấp phép, có uy tín để đầu tư hoặc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng cho an toàn. Hi vọng rằng trong tương lai gần thị trường trái phiếu sẽ phát triển hơn, lành mạnh hơn, nhiều doanh nghiệp tốt phát hành trái phiếu và các nhà đầu tư sẽ có kiến thức tốt hơn để tham gia.   

Share:

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

“Trên đỉnh” “Phố wall”

Giá cổ phiếu các công ty chứng khoán (tôi gọi vui là các công ty “phố wall” tại Việt Nam) trong thời gian gần đây tăng không ngừng nghỉ. Kể từ mức đáy covid (tháng 3/2020), giá một số cổ phiếu đã tăng gấp 6 - 8 lần, thậm chí nhiều hơn, kéo theo mức định giá cũng lên mức đỉnh mọi thời đại (PB từ 4-5 lần). Đằng sau mức tăng giá phi thường đó là nhiều câu chuyện hay như: (1) Tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán vẫn còn ở mức thấp (3% - 4% dân số), người dân sắp chuyển từ thời kỳ tiết kiệm sang đầu tư nên tiềm năng tương lai rất tươi sáng; (2) Các công ty chứng khoán cho ra mắt eKYC khiến việc mở tài khoản online dễ đàng hơn; (3) Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục duy trì ở mức cao, là ngành hiếm hoi lãi to trong bối cảnh covid; (4) Liên tục tăng vốn, đẩy mạnh cho vay margin nên kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh.

Tôi không phủ nhận các câu chuyện trên, thậm chí còn đánh giá rất cao triển vọng dài hạn của ngành này như đã thể hiện ở bài viết tại link. Tuy nhiên chỉ triển vọng thôi là chưa đủ để ra quyết định đầu tư, bởi một mức giá quá đắt có thể đã phản ánh hết (thậm chí là vượt quá) triển vọng đó rồi. Một số người bạn gần đây hỏi tôi có nên đầu tư cổ phiếu ngành này không, tôi đều khuyên rằng với mức định giá rất cao ở thời điểm hiện tại, hãy cân nhắc kỹ một số rủi ro như sau: 

  • (1) Ngành chứng khoán là một ngành chu kỳ, nên nếu chỉ nhìn P/E thấy rẻ để mua thì có thể mua đúng lúc E (Lợi nhuận sau thuế) đạt đỉnh, thay vào đó hãy nhìn P/B và mức ROE bình quân cả 1 chu kỳ. Nếu bạn không chuyên về tài chính thì có thể bỏ qua câu trên, hãy hiểu đơn giản là khi thị trường chứng khoán tăng giá (như năm 2020 và 2021), ai đầu tư cũng thắng, thì số lượng khách hàng của các công ty chứng khoán nhiều lên, cho vay margin được nhiều, danh mục tự doanh cũng lãi to, dẫn đến lợi nhuận khủng. Nhưng khi thị trường chứng khoán đi ngang hoặc giảm giá, nhiều nhà đầu tư lỗ bắt đầu rời bỏ thị trường, doanh thu phí giao dịch giảm, cho vay margin giảm, lợi nhuận tự doanh cũng kém hơn, thì khoản lãi khủng ở trên sẽ không duy trì được nữa, thậm chí giảm mạnh.

  • (2) Xu hướng nhà nhà “chơi” chứng khoán trong đại dịch covid-19 liệu có phải là xu hướng bền vững? Xu hướng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này như: người dân thất nghiệp muốn kiếm thêm thu nhập, thị trường toàn cầu sụt giảm mạnh vào tháng 3/2020 mang lại mức định giá hấp dẫn, các chính sách bơm tiền kích thích kinh tế tạo ra quá nhiều tiền nhàn rỗi… Các nguyên nhân nói trên hẳn không phải là nguyên nhân bền vững để kích thích sự phát triển của ngành. Liệu người dân còn đầu tư chứng khoán khi covid-19 kết thúc, khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại và mức định giá chứng khoán không còn hấp dẫn?

  • (3) Cạnh tranh trong ngành rất cao, vẫn còn đó cuộc chiến về phí. Trước năm 2020, cuộc chiến zero-fee, giảm lãi vay margin đã khiến biên lợi nhuận của các công ty trong ngành giảm mạnh. Từ năm 2020 trở lại đây, vì quy mô thị trường (số lượng khách hàng mới) nở ra quá nhanh nên chúng ta không nhìn rõ áp lực cạnh tranh này. Nhưng hãy nhớ rằng nguồn vốn giá rẻ của các CTCK Hàn Quốc vẫn còn đó, các CTCK lớn trong nước liên tục tăng vốn để chiếm lĩnh thị phần trong tương lai, sự tham gia của nhiều tay chơi mới như TCBS (trước đây chỉ tập trung mảng trái phiếu) khiến cạnh tranh trong ngành ngày càng cao.

Khi ra quyết định đầu tư, tôi khá thích áp dụng phương pháp 4M của Phil Town, trong đó chữ “M” thứ 4 rất quan trọng, là Margin of safety, hiểu đơn giản là trả một mức giá hợp lý. Nếu trả một mức giá quá cao, cho dù đó là doanh nghiệp tốt đi chăng nữa, thì bạn hoàn toàn có thể phải ở “Trên đỉnh” một thời gian khá dài (tham khảo bài viết về điều này tại link). Đánh đổi với điều đó là chi phí cơ hội, chi phí lãi vay (nêu có vay), cắt lỗ, và rất nhiều chi phí ẩn khác (như cảm xúc),…. Tôi hi vọng rằng các nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư mới) nên tỉnh táo, cẩn trọng khi ra quyết định đầu tư vào lúc này. 


Tuyên bố miễn trách: Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân, không khuyến nghị mua bán cổ phiếu, và thực tế tôi cũng không đoán được giá cổ phiếu tăng hay giảm. 

Công bố về mâu thuẫn lợi ích: Tại thời điểm viết và đăng bài, tôi không nắm giữ vị thế nào liên quan đến cổ phiếu ngành chứng khoán, không được hưởng lợi từ việc tăng/giảm giá cổ phiếu ngành này.

Share:

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Cẩn trọng các khoản vay tiêu dùng lãi suất cao

Trong vài năm trở lại đây xu hướng vay tiêu dùng, tiêu dùng trả góp lãi suất cao ngày càng trở nên thịnh hành, các công ty cho vay tiêu dùng ăn nên làm ra. Xu hướng này cũng không hẳn là xấu khi nó kích thích tiêu dùng của nền kinh tế, nhà sản xuất, nhà bán lẻ được hưởng lợi khi bán được nhiều hàng hơn. Tuy nhiên xét trên phương diện tài chính cá nhân, thì đây lại là một xu hướng không tốt.

Mua xe Lead nhưng lại thanh toán tiền bằng một chiếc SH Mode

Có thể bạn sẽ hào hứng khi sở hữu một tài sản mới nên chỉ nhìn lướt qua bảng số tiền phải trả hàng tháng mà không cộng tổng lại. Đó cũng là điểm mà các công ty cho vay tiêu dùng hay che giấu, trên bảng tính toán số tiền trả nợ sẽ chẳng bao giờ có dòng Tổng tính toán sẵn cho bạn.

Cách thức cho vay tiêu dùng thông thường là trả một số tiền bằng nhau hàng tháng, theo cách này thì số tiền gốc sẽ giảm chậm trong thời gian đầu (do tiền lãi phải trả lớn, tổng số tiền phải trả cố định, nên tiền gốc trả các kỳ đầu sẽ nhỏ). Đây là lý do mà nhiều khách hàng phàn nàn rằng họ trả nợ nhiều kỳ rồi sao số tiền gốc vẫn lớn như vậy. 

Lấy một ví dụ đơn giản: bạn dự định mua xe Lead giá 40 triệu, bạn có 8 triệu và vay 32 triệu. Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện tại từ 35%-38%/năm, thời gian vay 18 tháng, trả nợ hàng tháng. Số tiên trả nợ hàng tháng ước tính xấp xỉ 2.4 triệu đồng. Tổng số tiền trả trong suốt thời gian vay là 42 triệu đồng, cộng với khoản tiền bạn bỏ ra ban đầu là 8 triệu đồng, thì tổng số tiền phải trả cho chiếc xe Lead là khoảng 50 triệu đồng. Nếu số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài thì tổng số tiền phải trả càng lớn, thậm chí bằng giá tiền của 1 chiếc SH Mode. Chi tiết bạn có thể tham khảo tại file excel (tải về mở bằng MS Excel) !

Có thể bạn thấy chênh lệch 10 triệu đồng (giữa 40 và 50 triệu) không đáng kể, nhưng hãy so sánh với tiền tiết kiệm hàng tháng của bản thân hoặc số tiền mà bạn thu được khi gửi tiết kiệm. Nếu bạn tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng thì 10 triệu đồng chênh lệch tương đương gần nửa năm tiết kiệm (nếu bạn tiết kiệm được nhiều hơn thì khả năng bạn không cần vay vốn khi mua 1 chiếc xe máy). Hoặc 10 triệu đồng là số tiền lãi gửi tiết kiệm 40 triệu đồng trong vòng 4 năm mới tạo ra được (giả sử lãi suất tiết kiệm là 6%/năm). 

Đánh mất cơ hội gia tăng tài sản

Bên cạnh đó, việc vay tiêu dùng cũng làm cho bạn mất đi cơ hội gia tăng tài sản. Giả sử thay vì dành khoản tiền tiết kiệm hàng năm để trả nợ vay tiêu dùng và trả lãi, bạn gửi vào một quỹ đầu tư có lịch sử hoạt động ổn (các quỹ đầu tư tốt trên thị trường chứng khoán hiện tại có mức sinh lời bình quân từ 10-15%/năm), mỗi năm 24 triệu đồng, thì sau 10 năm bạn sẽ có trên 400 triệu đồng. Nếu số tiền bạn tiết kiệm càng nhiều, giá trị qua thời gian sẽ càng lớn. Bạn có thể nhập các thông số vào file excel theo khả năng tiết kiệm của bản thân để có được có được con số phù hợp với tình trạng của mình. 

Cân bằng giữa tài sản và tiêu sản

Tài sản là thứ sinh lời, gia tăng giá trị theo thời gian như tiền gửi tiết kiệm, các khoản đầu tư... Tiêu sản là thứ mất đi giá trị qua thời gian như xe cộ, điện thoại... Mặc dù tiêu sản là thứ phục vụ cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên cũng không phải vì thế mà chúng ta dồn tất cả của cải, vay nợ để mua sắm tiêu sản.  Bởi xét cho cùng, chúng ta đều phải bỏ tài sản ra để mua tiêu sản (rút tiền tiết kiệm để mua xe máy, bán miếng đất đầu tư để mua ô tô...). Nếu không duy trì và phát triển quy mô tài sản, thì tương lai sẽ chẳng có gì để đổi lấy tiêu sản.

Ngoài ra nếu mục đích của bạn là hướng đến tự do tài chính, thì gánh nợ vay lớn, lãi suất cao không phải là một ý hay. Ai có thể tự do tự tại khi phải lo lắng trả nợ cơ chứ?

Share:

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Tránh xa Binary option

Binary option là gì?

Binary option - hay còn gọi là là Quyền chọn nhị phân, là một cách thức đặt cược dựa trên biến động giá của một loại tài sản/tiền tệ (tăng hoặc giảm) trong một khoảng thời gian ngắn nhất định (1 ngày hoặc 1 giờ hoặc 1 phút). Nếu đoán đúng thì bạn sẽ nhận tiền gốc và 75% tiền lời. Nếu đoán sai thì bạn mất 100% tiền gốc. Nghe có vẻ hấp dẫn ? 

Lý thuyết về Lợi nhuận kỳ vọng

Trước tiên hãy đến với lý thuyết về lợi nhuận kỳ vọng như sau:

Giả sử bạn đầu tư vào sản phẩm A, có xác suất 30% lãi +20%, 20% lãi +10%, 50% là hòa vốn (lãi +0%). Như vậy Lợi nhuận kỳ vọng khi đầu tư vào A bằng 30% x 20% + 20% x 10% + 50% x 0% = 8%. 

Lợi nhuận kỳ vọng 8% hiểu như thế nào?

Nếu bạn đầu tư sản phẩm A rất nhiều lần, có lần bạn lãi nhiều, có lần bạn lãi ít, có lần bạn hòa vốn. Nhưng tổng kết lại sau rất nhiều lần đó thì bạn lãi trung bình khoảng 8%.

Ứng dụng như thế nào với Binary Option

Xác suất đặc cược đúng trong Binary Option là bao nhiêu?

Theo lý thuyết tài chính, việc tăng/giảm giá tài sản trong ngày/giờ/phút gần như không thể dự đoán trước, và người ta gọi điều này là Bước đi ngẫu nhiên (random walk). Vì chỉ có 2 kết quả là tăng hoặc giảm nên hãy giả sử xác suất của người chơi bình thường đoán đúng là 50%. Liệu bạn là người chơi bình thường hay người chơi xuất sắc ?

Lợi nhuận kỳ vọng khi chơi Binary Option là bao nhiêu?

Áp dụng công thức Lợi nhuận kỳ vọng bên trên, lợi nhuận kỳ vọng khi đặt cược vào Binary Option là:

                Xác suất đúng x Lợi nhuận khi đúng + Xác suất sai x Lợi nhuận khi sai

                        50%         x              75%            +         50%     x     (-100%)           =  -12.5% 

Như vậy khi đặt cược Binary Option, lợi nhuận kỳ vọng là Lỗ 12.5%.

Kết quả giả lập

Thử sử dụng Excel để giả lập 10000 lần chơi Binary option. Mỗi lần đặt cược 100 ván. Kết quả nếu đặt cược ALL-IN (toàn bộ gốc lãi ván này đánh tiếp ván sau) thì xác suất 100% là mất trắng. Trường hợp đặt cược bằng nhau (ván nào xong ván đó), thì xác suất ổn định khoảng 93% là thua lỗ. Chi tiết tham khảo file Excel đính kèm.

Kết luận

Dự vào các phân tích nêu trên có thể tạm kết luận nên tránh xa Binary Option. Hãy lựa chọn các kênh đầu tư an toàn hơn như Cổ phiếu và Trái phiếu để tích lũy xây dựng tài sản của mình.

Các bạn cũng có thể áp dụng công thức Lợi nhuận kỳ vọng nêu trên để thấy được lô đề là hình thức gần như chắc chắn lỗ. Ví dụ như chơi đề, xác suất đúng là 1/100, lợi nhuận khi đúng là 6900%, xác suất sai là 99/100, lợi nhuận khi sai là -100%. Lợi nhuận kỳ vọng là -30%.

Share:

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

Techcombank - ngân hàng siêu lợi nhuận cho vay gì trong mùa Covid ?

Lướt qua Báo cáo tài chính của Techcombank (TCB) từ năm 2020 trở lại đây, có thể thấy ngân hàng này đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ngành nghề mà ngân hàng này xác định là mũi nhọn và có hiểu biết chuyên sâu:

(nguồn: BCTC của TCB)

Xuyên suốt năm 2020, chỉ có lĩnh vực trái phiếu và kinh doanh bất động sản là tăng trưởng, cho vay các lĩnh vực khác và cho vay cá nhân gần như đi ngang. Sang nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng có vẻ đồng đều hơn khi mà cho vay cá nhân và ngành nghề khác có ghi nhận tăng trưởng.

Nhận định về danh mục cho vay của TCB thì hiện có 2 trường phái. Một trường phái cho rằng đây là chiến lược kinh doanh của ngân hàng, lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực mà ngân hàng hiểu biết chuyên sâu, do đó khá an toàn. Trường phái thứ hai thì lo ngại về rủi ro tập trung ngành nghề của danh mục cho vay này.

Tỷ lệ Casa của TCB tăng mạnh trong mùa Covid, cần thêm thời gian để kiểm chứng mức tăng mạnh mẽ này mang tính bền vững hay chỉ mang tính mùa vụ.

(nguồn: BCTC của TCB)

Tỷ lệ tiền gửi và vay các TCTD khác trên tổng tài sản của TCB cũng lên mức cao nhất trong vài năm trở lại đây giúp giảm thiểu chi phí huy động trong bối cảnh lãi suất ở thị trường 2 thấp. Không rõ đây là chiến thuật của ngân hàng nhằm giảm chi phí huy động hay còn lý do nào khác?

(nguồn: BCTC của TCB)

Share: